Athos chẳng thèm để ý đến câu nói ấy, và anh tiếp tục:
— Cậu không phải là không nhận thấy, bạn thân mến ạ, mỗi người có
một kiểu say, buồn hay vui. Tôi say kiểu buồn, mà một khi tôi đã say, tôi có
cái thói kể ra mọi chuyện tang thương mà bà vú nuôi ngớ ngẩn của tôi đã
khắc vào trí não tôi. Đó là tật xấu của tôi, tật xấu cơ bản, tôi đồng ý như
vậy. Nhưng ngoài tật đó, tôi là tay uống cừ.
Athos nói ra điều đó, quá tự nhiên, khiến cho niềm tin của D’Artagnan bị
lung lay. Chàng cố nắm bắt lại sự thật và nói:
— Ồ, thì ra là như thế, quả thật tôi cũng nhớ ra là như thế, vả lại nó
giống như ta nhớ lại một giấc mơ ấy mà, tôi nhớ chúng ta đã nói về những
người bị treo cổ.
— À cậu biết đấy - Athos vừa nói vừa tái người đi tuy nhiên vẫn cố cười
- Tôi cam đoan những người bị treo cổ là cơn ác mộng của tôi, của chính
tôi.
— Phải phải, - D’Artagnan nói tiếp - tôi nhớ ra rồi. Phải, chuyện đề cập
đến… khoan đã nào… đề cập đến một phụ nữ…
— À, đấy là một chuyện hay nhất của tôi - Athos trả lời, mặt xanh đi - về
một người đàn bà tóc hoe vàng và khi tôi kể chuyện đó là lúc tôi đang say
muốn chết.
— Phải, chính thế - D’Artagnan nói - chuyện về một phụ nữ tóc vàng
hoe, cao lớn và đẹp, có đôi mắt xanh.
— Phải, và bị treo cổ.
— Bởi người chồng là một vị lãnh chúa quen biết anh - D’Artagnan vừa
tiếp tục nói vừa nhìn thẳng vào mặt Athos.
— Ồ, cậu thấy đấy, trong khi người ta không còn biết mình đang nói gì
nữa, thì người ta có thể làm tổn hại đến phẩm giá một con người lắm chứ -
Athos vừa nói vừa nhún vai như thể mình đang thương hại chính bản thân
mình - Nhất định là tôi không muốn say nữa, D’Artagnan? Đó là một thói
quen quá xấu.
D’Artagnan im lặng không nói gì.
Rồi Athos chuyển phắt sang đề tài khác, và nói:
— Nhân tiện, xin cảm ơn cậu về con ngựa mà cậu đã mang đến cho tôi.