Chàng trao bức thư của mình cho nha môn, người này dẫn chàng vào
phòng đợi, rồi vào sâu mãi phía trong. Trong phòng đợi, có năm hoặc sáu
vệ binh của Giáo Chủ, và đều nhận ra D’Artagnan và biết chính là chàng đã
làm bị thương De Jussac, nhìn chàng bằng một nụ cười đặc biệt.
Nụ cười đó có vẻ là một điềm gở. Có điều, chàng Gascogne không phải
dễ bị dọa nạt, hoặc đúng hơn nhờ lòng kiêu hãnh lớn bẩm sinh của dân xứ
ấy, chàng không dễ để nhận ra những gì đang diễn ra trong tâm hồn mình,
khi mà cái điều đang diễn ra ấy giống như một sự sợ hãi. Chàng hiên ngang
đứng trụ, tay chống nạnh, thái độ không thiếu vẻ đường bệ.
Viên nha môn quay lại và ra hiệu cho D’Artagnan đi theo hắn. Chàng
thấy hình như khi nhìn chàng đi khỏi, bọn cận vệ xì xào gì với nhau. Chàng
đi theo một hành lang, xuyên qua một phòng khách vào một thư viện và
thấy trước mặt là một người ngồi trước một bàn giấy và đang viết.
Viên nha môn dẫn chàng vào rồi rút lui không nói một câu. D’Artagnan
vẫn đứng và quan sát người kia. Lúc đầu, D’Artagnan cứ tưởng mình có
việc với một nhân viên thẩm phán nào đó đang nghiên cứu hồ sơ của mình,
nhưng chàng thấy người ngồi bàn giấy viết hoặc đúng hơn là đang chữa
những câu dài ngắn khác nhau, vừa ngắt nhịp các từ theo các ngón tay.
Chàng thấy mình đang đứng trước mặt một nhà thơ.
Một lát sau, nhà thơ gấp lại bản thảo trong một bìa ngoài có đề “Miaram,
Bi Kịch Năm hồi” và ngẩng đầu lên.
D’Artagnan nhận ra là Giáo Chủ.