trung úy ngự lâm quân, ông Giáo Chủ nhận ra ngay nguồn gốc Gascogne,
mà người Ý và người Gascogne thì hiểu biết nhau quá rõ và giống nhau quá
đỗi nên không thể tin cậy lẫn nhau về những điều mà họ tự nói về bản thân
mình. Cho nên, khi đến dãy tường rào của Hoàng Cung, Giáo Chủ gõ vào
một cái cửa nhỏ gần đó nay là quán cà phê De Foy, và sau khi cảm ơn
D'Artagnan và dặn anh đợi ở trong sân Hoàng Cung, ông ra hiệu cho
Gitaud đi theo ông. Cả hai người xuống ngựa, trao dây cương cho tên hầu
đã mở cửa và biến vào trong vườn.
Ông Giáo Chủ vịn vào cánh tay viên đại úy ngự vệ già và nói:
— Ông Gitaud thân mến ơi, lúc nãy ông có nói với tôi là ông đã phục vụ
Hoàng Hậu ngót hai mươi năm nay rồi phải không?
— Vâng, đó là sự thật, - Gitaud đáp.
— Này, Gitaud thân mến ơi, - Giáo Chủ tiếp, - tôi nhận xét thấy ngoài
tinh thần quả cảm của ông không còn phải tranh cãi và lòng trung thành của
ông đã qua mọi thử thách, ông còn có một trí nhớ tuyệt diệu.
— Đức Ông nhận xét như vậy ư? - Viên đại úy, ngự vệ nói, - Quỷ ạ! Thật
là rủi cho tôi.
— Thế là thế nào?
— Chắc hẳn một trong những phẩm chất hàng đầu của người cận thần là
biết quên đi.
— Như ông Gitaud, ông không phải cận thần. Ông là một người lính
trung thực, một trong những đại úy nọ, như hãy còn sót lại vài người của
thời Vua Henri IV nhưng buồn thay rồi chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn lại
người nào cả.
— Kỳ thật! Phải chăng Đức Ông bảo tôi đến để xem số tử vi cho tôi?
— Không đâu, - Mazarin cười nói, - tôi bảo ông đến để xem ông có chú
ý đến ông trung úy ngự lâm quân không?
— Ông D'Artagnan ấy à?
— Phải.
— Tôi chẳng cần phải chú ý, thưa Đức Ông - tôi biết ông ta từ lâu.
— Vậy là người thế nào?