Hai đứa trẻ trở thành bạn chơi với nhau và khi lớn lên, chúng trở thành
người đỡ đần mẹ rất tốt. Bà Mary Sewell dạy các con cách tìm thấy niềm vui
trong công việc. Công việc là lối thoát dễ chịu nhất cho bản tính hăng hái,
can đảm và cao thượng của Anna.
Tình yêu thiên nhiên và nghệ thuật sớm phát triển trong Anna, và ngay từ
hồi thơ bé, em đã biết viết, vẽ để ngợi ca vẻ đẹp của thiên nhiên.
Những ngày ở Dalston, Anna Sewell luôn giữ được tinh thần khỏe khoắn
và sức sống dồi dào. Tinh thần đó về sau đã giúp nữ tác giả Ngựa ô yêu dấu
vượt qua bao nhiêu đau đớn để hoàn thành tác phẩm được cả thế giới biết
đến ấy.
Cũng chính ở Dalston, bà Mary Sewell viết cuốn sách nhỏ đầu tiên, thể
hiện niềm khao khát tận tụy trong suy nghĩ của bà.
Mary Sewell viết để kiếm tiền mua sách và dạy dỗ hai con. Chắc hẳn bà là
một cô giáo tuyệt diệu và là một người mẹ tận tụy, vì bà không chỉ dạy kiến
thức mà còn dạy các con rằng hãy không biết sợ. Anna và Philip không sợ
bất cứ loài súc vật hoặc côn trùng nào, kể cả bóng tối cũng không làm các
em hốt hoảng.
Một trong những kỉ niệm vui sướng nhất của hai đứa trẻ là lần đến thăm
ông bố ở Buxton, ngoại vi Norwich. Đây là lần đầu tiên các em đến thăm
ông bà. Tại đây, các em được tận hưởng bầu không gian thoáng đãng của
thôn quê. Ông của các em rất hiểu trái tim trẻ thơ, ông khuyến khích và thắp
lên tình yêu của bọn trẻ với những điều kì diệu nơi thôn dã.
Cũng ở Dalston, Anna bị bong gân khuỷu tay. Lúc nói về tai nạn đau đớn
này, em chỉ nói giản dị: “Con chịu được”. Đó là nét đặc trưng của lòng chịu
đựng bền bỉ và sự can đảm bình thản mà Anna đã biểu lộ trong suốt cuộc đời
bình dị của mình.
Anna coi tấm gương tốt nhất để noi theo là mẹ em - bà Sewell - người đàn
bà coi việc cải thiện điều kiện sống cho những người thân yêu là hạnh phúc
lớn nhất trong đời mình.