Khi kinh tế gia đình khá lên đôi chút, ông Isaac Sewell muốn sửa chữa cơi
nới thêm diện tích nhà ở và khu trang trại, ông liền mua một chuồng gia súc
gần nhà và cho sửa sang lại.
Hồi này, gia đình Anna có một người mới là cậu Richard, còn bà Sewell
không đủ thời gian dạy Anna học, nên phải gửi cô bé bán trú ở trường cách
nhà khoảng một dặm.
Gia đình Sewell lúc này lại gặp khó khăn vì thiếu thốn cơ sở vật chất như
thiếu nước, nhưng điều bất hạnh nhất còn chưa tới.
Một hôm, Anna đi học về, lúc đuổi theo chiếc xe ngựa đang rẽ vào cổng
vườn, em ngã và bị bong gân ở mắt cá chân rất nghiêm trọng. Hậu quả là
Anna bị tập tễnh suốt đời, nhưng như bà Sewell ghi trong nhật kí: “Cũng
may (chúng tôi nghĩ thế), sự kiện này không hề làm cuộc sống của con bé
nhợt nhạt đi, ngược lại càng làm nó thêm can đảm”.
Họ đã làm mọi thứ cần thiết cứu chữa cho Anna, nhưng buồn thay khi có
vị bác sĩ lầm lẫn trong cách điều trị đã làm cho bệnh của Anna không khỏi
hẳn mà ngày càng trở nên tập tễnh nhiều hơn.
Bà Mary Sewell chưa bao giờ hết hi vọng là một ngày nào đó, đứa con gái
can đảm của bà lại có thể chạy nhảy vui chơi như xưa, nhưng than ôi…
Những ai biết Anna trong những ngày hoạn nạn đó đều yêu quý em, vì em
là tấm gương bền chí, can đảm và nhẫn nại, lạc quan nhất. Những đau đớn
của em chưa bao giờ làm gia đình u ám hoặc vướng bận. Anna chẳng bao
giờ ủ ê nghiền ngẫm đến những tổn thất về sức khỏe, hoặc để mất niềm vui
hưởng những điều tốt đẹp khác. Tâm trí em lúc nào cũng chứa đựng bao
điều mới mẻ, giống như một vườn ươm màu mỡ chưa được vun trồng đầy
đủ nhưng đầy ắp ý nghĩ và sẵn sàng trân trọng tài năng của người khác. Em
luôn là ánh mặt trời của mẹ em. Bà Sewell đã viết: “Giữa mẹ con tôi chưa
bao giờ vương vấn đám mây mù”.
Năm 1836, bà Sewell dọn đến Brighton, nhận làm quản lí cho Chi nhánh
Ngân hàng London & County ở Brighton. Bà và gia đình cố chạy chữa cho
Anna. Nhưng tình trạng của cô bé càng tệ hại thêm, chân cô tập tễnh hơn và
sức khỏe của Anna dao động thất thường.