Nam-kỳ thời có đám Đặng-bình-Thành, Hoàng-Hưng.
Bắc-kỳ có Đặng-tử-Mẫn, Đàm-Khanh v. v...
Họ tắm gội nắng mưa, xông-pha sương gió, liều-mạng đi tìm học-
vấn, nối gót theo chân nhau trên đường sang Quảng-đông và Hương-cảng.
Bởi vậy chúng tôi bèn đặt ra tại Hương-cảng một cơ-quan của đảng
ta, để có nơi tiếp rước học-sinh và thâu-nhập bạc tiền cùng các giấy tờ bí-
mật. Chúng tôi để ông Đặng-tử-Kính trông coi.
Tôi lại lập ra ở Hương-cảng một nhà hội gọi là Việt-Nam Thương-
đoàn Công-hội để giúp-đỡ việc cho đảng. Công-hội nầy ông Võ-mẫn-Kiến
làm người chủ-trì.
Lúc đó những bà con mình theo người Pháp qua làm ăn tại Hương-
cảng cũng động lòng vì nghĩa lớn, rủ nhau vô hội một cách hăm-hở vô-
cùng. Chẳng phải vậy là dấu tỏ ra nhân-tâm nước mình chưa chết hẳn đó
sao ?
Chỉ tiếc rằng tôi thiếu tài bao-bọc, kém sức châu-toàn, thành ra
mầm giống vừa mới mọc lên thì gió mưa đã làm cho xiêu-đổ. Việt-Nam
Công-hội chỉ có cái tên, rồi chưa được mấy năm, lại nhân bị can-thiệp mà
phải giải tán, đáng thương biết bao !
Từ mùa xuân Đinh-mùi đến mùa đông Mậu-thân là thời-kỳ thanh-
niên ta sang du-học thịnh nhất. Trách-nhiệm tôi phải gánh vác trong thời-kỳ
nầy cũng khó-nhọc bộn-bề. Nào là chọn người vào học, nào là lo-liệu giao-
thiệp ; nào là vận-động bạc tiền ; nào là liên-lạc tình-nghĩa, đều là một tay
tôi đứng mũi chịu sào hết thảy. Tôi nghiễm-nhiên như một quan công-sứ
của nước Nam ở nước ngoài mà lại kiêm cả chức giám-đốc kinh-lý nữa.
Giếng sâu tay ngắn, việc lớn tài hèn, tôi vẫn lo sợ công việc tôi gánh-vác
không kham.