Nhìn thẳng vào mắt một nữ sinh đang khóc vì thi trượt đại học khi chỉ
thiếu có nửa điểm dễ hơn nhìn thẳng vào mắt một thằng đang phê hêrôin.
“Trọn đời tôi, tôi chỉ lo chết đói. Như thế bảo còn nghĩ đến cái to tát làm
sao được? Nguyện vọng của tôi? Ấy là làm thế nào cho vợ có tiền đong
gạo, mua được mắm và mua ba xu thuốc chốc đầu của bà lang lùn về cho
con. Không có mộng. Nói vậy sợ hơi quá quắt. Thật ra tôi cũng có chút
mộng văn chương. Nhưng cái mộng ấy cũng hơi… khỉ khỉ. Tôi cũng muốn
vừa có thể phụng sự nghệ thuật lại vừa có thể kiếm tiền nuôi cả nhà. Nghĩa
là tôi ham viết lắm. Nhưng giá thử viết mà không được một đồng xu nhỏ thì
có lẽ tôi cũng ham vừa vừa thôi.”
Giọng Nam Cao không khó nhận ra. Trong đoạn tâm sự này (“Những
truyện không muốn nói”), tôi thích nhất câu “Nhưng cái mộng ấy cũng
hơi… khỉ khỉ”. Đọc xong, tôi có cảm giác Nam Cao nghĩ mình hy sinh quá
nhiều vì cái mộng “khỉ khỉ” đó - nếu được sống lại trong thời buổi phát
triển này, ông sẽ rút kinh nghiệm và nằm võng nhiều hơn. Có chút xi rô ân
hận nhỏ giọt từ giữa các dòng chữ ấy. Chút mồ hôi. Của một con người.
Như tôi.
Đọc bài này chắc sẽ có người nghĩ tôi hơi tự hào quá về khả năng ân hận
của mình. Có lẽ họ sẽ tung những suy nghĩ đó lên các diễn đàn Online
khiến tôi sẽ đập đầu vào tường vì cho phép xuất bản một bài viết vị kỷ như
thế này (rồi soi gương và cười tự hào khi thấy máu chảy đầy mũi). Nhưng
tôi chọn trích đoạn “khỉ khỉ” trên vì trong đó nhắc đến một điều lớn hơn
Nam Cao, lớn hơn tôi, và lớn hơn người mẫu Vũ Thu Phương
Nếu đặt sự thành công trên hết thì không có giá nào quá cao phải trả cho
việc “phụng sự nghệ thuật”. Nhưng nếu đặt “sự thoải mái” lên trên hết thì
có giá quá cao. Nói theo kiểu Việt Nam (xin xuyên tạc một chút), nếu đặt
“trắng tựa bông” lên trên hết thì không nên tiếc việc giã gạo thậm chí nên tự
hào. Nhưng nếu đặt sức khỏe của người giã gạo lên trên hết thì có lúc nên
tiếc.