không phải mình yêu vợ mà xã hội yêu mình?”
“Ổ, mà phải lấy vợ chứ!” Anh taxi nói.
“Vì sao thế?” Tôi hỏi lại. “Vì sao tôi phải sống cả đời cùng một người
phụ nữ duy nhất? Anh biết không, có một dân tộc ở Trung Quốc, trong
ngôn ngữ của họ không có từ ‘vợ’. Cũng không có từ ‘bố’ luôn. Mỗi gia
đình gồm một người mẹ với các con. Các con trai yêu ai cũng được, miễn là
buổi tối về nhà với mẹ - đến tận già vẫn phải về nhà mẹ! Còn các con gái
khi tự dưng có thai phải ra ở riêng, lập gia đình mới. Dân tộc đó sống như
thế cả mấy nghìn năm trời. Họ có thiệt thòi không?”
“Không sao!” Anh taxi vui lên. “Ở Việt Nam yêu đương thoải mái! Phải
giấu vợ thôi!”
Anh ấy hiểu ý tôi là muốn kéo dài giai đoạn gái gú lâu nhất có thể, không
phải đặt câu hỏi về giá trị cuộc sống vợ chồng mà đặt phòng ở nhà nghỉ.
Vậy tôi dừng lại. Chữ “chứ” đó sẽ luôn kéo anh ấy về cuộc sống quen
thuộc.
Mà biết đâu đó là điều tốt.
Nhưng văn hóa nào cũng có một số ít người càng lớn lên càng đặt câu hỏi
về các chữ “chứ” đó. Không phải các chữ “chứ” của riêng văn hóa mẹ đẻ
mà của các văn hóa nói chung. Của đời.
Một số ít người càng già càng hay nhìn lên bầu trời đêm.