Ai Việt Nam hơn ai?
Gần đây có hai người mở cuộc tranh luận sôi nổi nhằm mục đích trả lời
câu hỏi: Ai Việt Nam hơn ai?
Hai người đó là tôi, một anh “gốc Tây” biết tiếng Việt và nghiên cứu lâu
năm về văn hóa Việt Nam, và bạn tôi, một chị gốc Việt nhưng chưa biết
tiếng Việt, chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với cộng đồng người Việt lớn.
Ai Việt Nam hơn? Không phải theo ý nghĩa vui vẻ mà người Việt hay
dùng để trêu người Tây - “Anh Joe giỏi quá, sắp trở thành người Việt Nam
rồi!” - mà theo ý nghĩa sâu sắc nhất, gần nhất với sự thiêng liêng của cụm
từ “Người Việt Nam”.
Khi tranh luận phải chọn quan điểm rõ ràng để bảo vệ. “Tao Việt Nam
hơn hẳn!” tôi chọn quan điểm rõ ràng nhất có thể. “Mày được cái là dòng
máu Việt - nhưng máu chỉ chuyển ôxy thôi, không chuyển văn hóa đâu.”
Rồi tôi kể chuyện về người Nhật.
Mặc dù dân số Nhật ngày càng giảm đi nhưng chính phủ vẫn không cho
phép người nước ngoài nhập quốc tịch. Người nước ngoài không có dòng
máu Nhật, các bác bên Cục xuất nhập cảnh lý giải. Quốc tịch và dòng máu
là một. Ngoài một số trường hợp đặc biệt, một người ghi quốc tịch Nhật
trên hộ chiếu phải mang dòng máu Nhật trong huyết quản.
Có nhiều gia đình Nhật định cư tại Brazil vào giữa thế kỷ hai mươi. “Hay
là mời họ về?” Các bác bên Cục xuất nhập cánh âm thầm hỏi nhau. “Họ có
dòng máu Nhật, sẽ nhanh chóng hòa nhập với cuộc sống tại Nhật.” Cuối
cùng, hơn 300.000 người Brazil gốc Nhật nhận lời về quê, khiến các bác rất
sốc.