cuối cho chắc. Đúng thì đúng, nhưng không thể gọi là ‘thật đúng’. Cái thêm
vào mới là cái xuất phát trực tiếp từ trong lòng ông. Vì ông không kịp tìm ở
chỗ khác.”
Sau mấy năm nghiên cứu thêm về tình yêu và tiêu chuẩn, tôi có thể tự tin
nói rằng bạn ấy phân tích đúng.
Với những người may mắn tham gia đại lễ nghìn năm, có khi cảm giác về
Hà Nội lúc này - cảm giác sáng hôm sau, cảm giác thêm vào - mới là cảm
giác thật lòng. Tối qua đã rất đông vui, nhộn nhịp, sắc màu. Tối qua nhiều
người nhìn nhau nói “Tôi yêu Hà Nội”, mua áo thun in chữ “IVHN” để
chứng minh lời nói đó.
Đó là tình yêu.
Có khi sáng nay, một trong hàng nghìn người đó dậy sớm, dạo phố một
mình, thấy một chiếc lá vàng rơi, một chiếc lá nâu rơi theo, mấy băng buộc
đầu để trên vỉa hè, một bà lão mở quán bún thang, hơi tỏa trong không khí -
và lúc đó tự nói với mình “Tôi yêu Hà Nội”.
Đó là tình yêu thật.
Tối qua đã có nhiều người cố gắng nghe trái tim của mình đang nói gì.
Đã là đại lễ nên phải có đại cảm giác đi cùng, cho đẹp đôi. Sự kiện nghìn
năm chỉ có một lần, cảm giác phải thật độc đáo, thật khó quên. Nhưng trái
tim không tạo cảm giác theo yêu cầu. Trái tim bướng thật, càng bị năn nỉ
càng lắc đầu.
Chúng ta chỉ biết lấy cảm giác trái tim chịu cho - rồi nhờ đầu óc sửa lại
cho phù hợp với sự kiện. Sự kiện yêu cầu cảm giác vui mừng nhưng trái tim
chi cho cảm giác hay hay? Đầu óc sẽ tìm cách thổi phồng cho vừa, tự thuyết
phục mình rằng mình đang cảm thấy… khác.
Trái tim cho thóc, đầu óc đổ vào bát đẹp, ăn với đũa bạc.
Sáng nay, số người dạo phố và nghe trái tim chắc ít hơn.