Đại lễ đã qua. Nhịp sống đã về. Nhưng biết đâu giờ mới là lúc tim nói
hay nhất? Các ca sĩ thỉnh thoảng chờ chương trình kết thúc mới hát bài hay
nhất. Hát cho người ở lại. Hát cho người dọn rạp.
Tôi xin bỏ đường triết học, rẽ vào ngõ nhỏ là kỷ niệm của tôi vào ngày
hôm qua. Sáng tôi đến thăm một người bạn ở phố cổ. Tôi sửa lại một số bài
viết cũ, mở cửa sổ để nghe tiếng người ta đi lại với sự hồi hộp của họ. Trưa
tôi đi ra quán phở, thấy chị chủ quán viết “Nhận trông xe” trên một chiếc
bàn, lật nghiêng thành biển. Tôi thấy mùi sự kiện.
Chiều tôi đi dạo phố, ăn sữa chua nếp cẩm, xem các chú công nhân đang
chuẩn bị như thế nào. (Tôi thích bắt chuyện với công nhân; họ luôn có
chuyện để nói.) Cuối giờ chiều tôi định đi tìm nơi yên tĩnh, ngồi một mình,
ngẫm lại mấy năm vừa qua. Nhưng tôi đã ở phố cổ rồi, đã là “mười-kiêm-
mười-kiêm-mười” rồi - tại sao không đi bộ một vòng quanh Bờ Hồ?
Tôi đi bộ một vòng quanh Bờ Hồ.
Tôi đi duy nhất một vòng rồi về. “Một nghìn năm” và “một vòng” đều có
chữ “một”, tôi thấy đẹp. Khi ấy, tôi nhận lời chụp hình cùng một gia đình
nhiều thành viên; tôi xuất hiện như một bác Tây trong họ hàng xa. Chụp
hình xong tôi đi tiếp, cố gắng cảm nhận không khí thiêng liêng, nghìn năm
chỉ có một lần. Tôi thất bại. Tôi biết tôi sẽ thất bại từ trước khi tôi thử.
Tôi chưa lấy vợ nên tôi chưa biết cảm giác dự đám cưới của chính mình.
Nhưng tôi dự đám cưới của nhiều người khác. Tôi nhìn cô dâu và chú rể di
chuyển từ bàn sang bàn, từ nhóm sang nhóm. Một, hai, ba, dzô; một, hai,
ba, dzô… và cười tươi. Tôi đoán cảm giác của hai người thật hồi hộp, thêm
chút căng thẳng.
Rồi tôi hình dung buổi sáng ngày hôm sau, anh ấy ngủ dậy bên cạnh một
người phụ nữ trẻ đẹp, nhìn cô ấy vẫn đang ngủ và nghĩ: “Đây là vợ của
mình”.