Trong các bài hát của Trịnh Công Sơn, ông không bắt đầu xưng “tôi”, rồi
chuyển sang “anh”, rồi “mình”, rồi “Sơn”, rồi quay lại xưng “tôi”. Đó là sự
phong phú vô nghĩa. Những chỗ cần phong phú thì ông rất phong phú, còn
không thì không - thế mới có điểm nhấn.
Tôi thực sự không muốn các cầu thủ Anh luôn thành con sư tử, các cầu
thủ Đức luôn thành xe tăng, các cầu thủ Nhật luôn thành Samurai, các cầu
thủ Hàn Quốc luôn thành bát kim chi khổng lồ. Tôi cũng không muốn các
cầu thủ trưởng thành luôn thành “học trò”, và tôi quá biết các cầu thủ cả hai
đội đang mặc áo màu gì.
Có lẽ điều làm tôi điên nhất là các anh bình luận viên ấy hiếm khi nói
một câu từ đầu đến cuối không dừng lại mấy lần ở giữa. Giật vấp, vấp giật,
giống một clip Youtube bị “buffering” vì internet quá chậm.
“Trọng tài (buffering) đã (buffering) rút ra một chiếc thẻ… Ắc-yên Rô-
bần đã có một (buffering) pha bóng (buffering) rất đẹp mắt và…”
“Những cú sút xa của (buffering) các cầu thủ mặc áo (buffering)…”
Nhận ra điều này một lần là nhận ra thêm ngàn lần nữa; một khuyết điểm
trên mặt người yêu chưa đủ to để chấp nhận là thế, chưa đủ nhỏ để yêu.
Vấn đề thứ nhất là thiếu sự chuẩn bị. vấn đề thứ hai thiếu chiếc ghế. Tại
sân.
Rất tiếc các anh không có mặt tại World Cup như các anh bình luận viên
đến từ các nước khác. Họ cũng phải chờ cận cảnh mới biết cầu thủ vừa việt
vị là ai. Họ không thể cho tôi biết về những gì đang xảy ra ngoài tầm nhìn
cùa màn hình bởi ngoài tầm nhìn của màn hình cũng là ngoài tầm nhìn của
họ. Nhưng điều đó không bào chữa cho những câu quá lười.
“Khi đá penalty bên cạnh bản lĩnh phải có may mắn…”
Thật hả? Tôi tưởng bên cạnh bản lĩnh phải có bún bò Huế, tóc vàng hoe
và một chiếc bugi lấy từ xe Super Cub sản xuất năm 1982! (Tôi vừa bảo ti