Thằng nào?
“Thằng nào?” Em phục vụ hỏi.
“Áo xanh kia kìa!” Chị phục vụ đứng bên cạnh bàn tôi trả lời, dùng đầu
để chỉ đạo.
Em phục vụ để đĩa cơm rang trên bàn một du khách người Tây mặc áo
màu xanh, cười tươi, quay về chỗ bếp.
Cảnh này diễn ra ở một quán ăn nhộn nhịp nằm trên dường Phạm Ngũ
Lão, quận nhất, Sài Gòn. Khu Tây ba-lô. Chắc cả quán chỉ có mỗi tôi là ba
lô biết tiếng Việt, đặt câu hỏi về cách dùng từ “thằng” của em phục vụ đó.
Tôi công nhận Phạm Ngũ Lão không phải con đường văn minh nhất Việt
Nam, cả về người ở lẫn người đến. Tôi cũng công nhận từ “thằng” không
phải từ mạnh quá, đặc biệt trong trường hợp tôi vừa kể. Em phục vụ không
có ý gì. Nhưng tôi vẫn cầm bút viết bài này như một cách âm thầm trả thù
“nó”.
Việc đầu tiên là phải xác định vì sao tôi cảm thấy bực bội - Tôi khá chắc
chắn nếu làm ở một quán chỉ có khách người Việt thì em ấy đã không dám
hỏi “Thằng nào?” bằng giọng to và tự nhiên như thế. “Anh nào?”, “Bàn
nào?” “Ở đâu hả chị?” - có nhiều cách xác định suất cơm rang sẽ vào miệng
ai mà không dùng đến ngôn ngữ chợ.
Nhưng riêng điều đó chưa đủ khiến tôi bực bội như bây giờ. Người thiếu
ý thức ở đâu cũng có. Chính tôi hay “tạm thời” thiếu ý thức, sáng phàn nàn
về người khác, chiều làm giống y họ. Vấn đề phải lớn hơn em ấy.
Mà nghĩ một lát, tôi thấy vấn đề lớn hơn thật. Từ lúc mới học tiếng Việt,
tôi chứng kiến nhiều người Việt dùng từ “thằng” với đàn ông Tây trong