“Thì cũng có khác gì đâu. Nó vẫn chung nhau mà.”
“Không phải thế. Tôi không muốn mình phải mang con bò ấy theo.
Tôi cũng không muốn nó phải theo mình về nhà đẻ.”
“Tôi không về đâu.”
Nói thế thôi. Nhưng tôi hiểu chồng đang muốn nói gì. Chồng không
muốn bất kỳ điều gì xảy ra ở nhà này nữa. Thực sự thì tôi cũng không
muốn về nhà mẹ đẻ cùng với con bò. Tôi không muốn như chị Máy và chị
Cán. Không thể ai về nhà này cũng lại ra đi. Nếu có đứa con gái nữa về đây
thì tôi vẫn ở lại. Người ấy sẽ nối họ Thào. Tôi chăm sóc bố mẹ chồng. Tôi
chỉ muốn nấu nồi nước thơm đúng phận làm dâu cho bố mẹ chồng lúc đi
gặp tổ tiên là mãn nguyện rồi. Đấy, có lẽ tôi đúng là người nhà họ Thào khi
hay nhắc đến tổ tiên.
Tôi không muốn ra khỏi nhà này. Nhưng cũng rất sợ khoảnh khắc phải
gỡ sợi lanh ra khỏi tay mẹ chồng để rồi lại phải giữ nó. Sợi lanh dài lắm rồi.
Nó cũng đã đổi màu từ khi chồng tôi ra đời. Tôi không muốn giữ nó để rồi
phải giặt gio bếp, phải nghiền trong cối đá hay phơi mãi ngoài bờ suối vì nó
đã đổi màu quá lâu rồi.
Tôi cũng rất sợ ngồi bậu cửa sau trông ra chuồng bò và nghĩ về ngày
đi gặp tổ tiên. Có lẽ tôi sẽ cô đơn và dằn vặt hơn mẹ chồng bây giờ. Vì tôi
phải ngồi bậu cửa một mình, không có chồng con, không có cả đứa con dâu
ngày ngày chăn đàn bò mà vẫn phải lưu tâm con bò của mẹ chồng để mà
buộc cạnh máng cỏ.
Nằm trong vòng tay chồng đây, tôi phải nghĩ thế nào cho phải.
Hôm nay mẹ chồng đã nối đến sợi lanh cuối cùng của mùa rồi. Mùa
sau không trồng lanh nữa - bà bảo tôi khi giắt nốt cuộn lanh lên vách. Tôi
hiểu ý bà. Có thể tôi sẽ không phải làm những công đoạn sau của lanh nữa.