mới biết mình ngu, chủ ghe trốn mất rồi, lấy ai mà giật “hầu bao”?
Đánh chiếc ghe thứ hai. Chủ ghe đi chơi, chỉ còn bạn đang lật nóp ngủ trên
mui. Một ông già chậm chạp chui ra. Thằng Chó hăng tiết đá một cú khiến
ông lăn quay kêu trời như bọng. Bảy Rô bất bình đạp thằng Chó té văng
xuống sông.
Nó cà hụp cà hụp đeo be ghe leo lên:
- Sao nhè tôi mà đá hả anh Bảy? Không biết lội thì tôi chết rồi!
Bảy Rô lạnh lùng:
- Chết bỏ! Những thằng tàn nhẫn như mày chết là vừa!
Đánh chiếc thứ ba. Đây là ghe hột vịt. Vừa thấy Bảy Rô nhảy lên ghe, ông
chủ run rẩy như đớ lưỡi: “ông- cướp”. Chưa đợi tra khảo, ông ta dâng trọn
cọc tiền mới vừa bán ghe hột vịt cho chủ vựa. Bảy Rô chớp tiền nhảy
xuống tam bản. Đi chưa được mấy sào thì nghe ông chủ ghe kêu gào thảm
thiết. Mười Nhỏ hét:
- Quay trở lại! Tao giết thằng cha già này mới được! Nó dám cả gan chửi
mắng ông cố nội thì nó phải chết!
Bảy Rô bước nhanh tới trước mũi tam bản:
- Để tao trị thằng già này cho!- Anh chống sào nhảy lên ghe, ngắt đôi cọc
tiền vừa cướp được, dúi một nửa vào ngực ông già đồng thời dậm chân lên
ván ghe đánh “rầm” một tiếng, hét to lên:
- Giỏi la hả? Đánh cho mày chết để mày hết la?
Xong anh nhảy xuống tam bản giục thằng Chơn chèo đi. Trên đường về,
anh thấy vui vui trong lòng. Đâu đó, trong sâu thẳm hồi ức, anh nghe vang
vọng lời dạy của ông già anh, lúc còn sống. “Nhơn phi nghĩa bất giao, vật
phi nghĩa bất thủ”. Anh tính sẽ không nhận tiền chia phần trong hai vụ ăn
hàng và sẽ nói thật khéo để Mười Nhỏ vui lòng cho anh giải nghệ. Nhưng
định mệnh đã an bài mọi việc.
***
Sáng hôm sau, khi đang chia tiền trong nhà thằng Chơn, bỗng thằng Chó
chạy vụt vào báo động: “Lính tới!”.