bắt Phạm Hữu Đức Chi đội 5, Chín An Chi đội 4 là hai giáo hữu Cao Đài,
rồi cái chết đột ngột của Giáo chủ Hòa Hảo. Gần đây chúng bắt ông phán
Lê Văn Huề…, ông Huề cũng là giáo hữu Cao Đài, nguyên là Chủ tịch tỉnh
Bà Rịa. Như vậy rõ ràng là Việt Minh diệt giáo phái, nắm độc quyền kháng
chiến đánh Tây.
Bảy Viễn gật:
- Mình sẽ đòi lại đại đội thằng Nghiệp của Tư Hoạnh…
Hội nghị nhất trí cho Bảy Viễn đi Nam Bộ nhận chức Khu trưởng. Chuyến
đi được xem như là một vụ “Hội môn hồng yến” đời này, cho nên ai nấy
đều nôn nao muốn dự. Công việc trước tiên của Bảy Viễn là chọn các đơn
vị mạnh đưa đi theo, trước để biểu dương lực lược, sau để tự vệ khi cần. Ai
cũng giành đi, không ai chịu thủ trại. Bảy Viễn phải chỉ định Tư Tỵ và Chi
đội 25 ở lại Rừng Sác phòng khi Việt Minh bất ngờ cướp “sơn trại”. Tư Tỵ
còn do dự, Lâm Ngọc Đường nhấn mạnh:
- Đi hay ở cũng đều quan trọng như nhau. Đi là chiến đấu chớ không phải
là đi chơi. Ở nhà là thủ trại, cũng là chiến đấu chớ không phải nằm không.
Tôi tình nguyện nằm lại Rừng Sác trong suốt thời gian Ngài Khu bộ phó
xuống Đồng Tháp Mười.
Bảy Viễn chọn trong mỗi chi đội thân tín của mình một trung đội chủ lực
để lập liên quân đi phó hội Nam Bộ. Chi đội nòng cốt vẫn là Chi đội 9 do
Tư Sang chỉ huy, ngoài ra có Chi đội 4 của Mười Trí, Chi đội 21 của Tư
Hoạnh và Chi đội 25 của Tư Tỵ. Từ trong bốn Chi đội này, Bảy Viễn lập
hai đại đội “cứng”, mỗi đại đội có một cây “luộc” trây đơ (13,2ly) hoặc
đui-xết (12,7 ly). Trong bộ tham mưu gồm có hai anh em Tư Sang, Năm
Tài và Bảy Cao, Năm Bé. Năm Bé đã từng vượt ngục từ Côn Đảo về đất
liền trên xuồng ba lá với Bảy Viễn nên được xem là tâm phúc sống chết có
nhau. Còn Bảy Cao cũng là dân anh chị ở Sài Gòn, về với Bảy Viễn ngay từ
đầu, hiện là tham mưu trưởng Chi đội 25.
Ngày lên đường, Tư Sang cho hai đại đội chủ lực tập hợp để Ngài Khu bộ
phó duyệt quân và hiệu triệu. Bảy Viễn rất hãnh diện trước một lực lượng
hùng mạnh như vậy, phấn khởi ngõ lời:
- Các anh em! Thật là một vinh dự lớn lao cho tất cả chúng ta được mời