- Trước đây thì nhốt riêng. Nhưng từ năm 40, sau vụ bạo động cuối tháng
11, ta bắt giam nhiều quá, không đủ khám nên bắt buộc phải nhốt chung-
hắn cười gượng- Tôi nghĩ rằng như vậy cũng hay hay: Mình lấy độc trị độc,
để bọn thường phạm trừng trị Cộng sản cứng đầu cứng cổ.
Ếch-teo kêu lên:
- Đúng là ngu như chúa ngục! Chút nữa, về nhốt riêng ra! Muộn còn hơn
không, nghe chưa?
A-gốt-ti-ni sượng sùng như chó ăn vụng bột.
Sa-va-ni nói tiếp:
- Bọn trong tù chỉ cần xiết vô khuôn khổ, canh gác cẩn thận. Đáng ngại là
đám còn ở bên ngoài. Đây là một lực lượng quan trọng, vì chúng rất đông,
xóm nào cũng có, đặc biệt ở bến xe, cầu tàu, sòng bạc, trường gà, trường
đua, rạp hát, cao lâu, vũ trường. Trong cuộc tranh chấp giữa chính quyền và
bọn phản loạn, ai nắm được lực lượng này, người đó sẽ thắng. Điều này đã
được chứng minh trong lịch sử Pháp. Na-pô-lê-ông đệ tam (Napoléon III)
cũng đã nhờ đám du đãng Bô-hêm (Bohême) mà nhảy lên ngôi Hoàng đế.
Ếch-teo gật gù:
- Đúng. Nhưng đại úy đã nắm được tình hình du đãng trong đô thành Sài
Gòn- Chợ Lớn chưa?
Sa-va-ni gật:
- Được chớ! Theo cuộc điều tra của Phòng Nhì sau cái gọi là Nam kỳ khởi
nghĩa, du đãng ở thành phố này có nhiều biến đổi khác xa các tổ chức du
đãng trên thế giới, như Ma-fia ở Ý hay bọn KKK ở Mỹ… Muốn hiểu du
đãng ở Việt Nam phải đi ngược dòng lịch sử, từ ngày người Pháp mới tới
đây dưới lớp áo những nhà truyền giáo như Cha cả Bá-đa-lộc và quân đội
đánh thuê của Gác-niê (Garnier). Du đãng Việt Nam đã từng liên kết với
giặc Cờ Đen và giặc Cờ Vàng, với phong trào Thiên Địa Hội, kèo xanh kèo
vàng, đời Pháp trả lại đất nước. Du đãng trong Nam kỳ còn có màu sắc
nghĩa hiệp, là một đặc tính của người dân “đàn trong” trọng danh dự và
nhân nghĩa.
Ếch-teo sốt ruột:
- Tôi không lạ gì những điều đại úy vừa nói. Điều tôi muốn biết là du đãng