Sau ngày 15.12.1945, không còn người tù chính trị nào ở lại, cả đảo chỉ
còn lại toàn thường phạm cũ, cho nên triều đình phường tuồng của Sơn
Vương không bị ai phản đối. Nhưng, đám lưu manh cũng nhân cơ hội đó
ngóc đầu dậy, hành hung sách nhiễu dân chúng trên đảo. Cảnh sát trưởng
Nguyễn Thành út vốn xuất thân là một tên du thủ du thực, bị kết án 10 năm
khổ sai, đã nhiều lần ngang nhiên vào nhà dân giở trò cướp bóc, trêu ghẹo
phụ nữ. Biết chuyện, thay vì đưa út ra kỷ luật công minh, Sơn Vương lại có
cách xử sự hết sức quái chiêu và đẫm chất giang hồ. Trước văn võ bá quan,
ông thẳng tay giáng cho Nguyễn Thành út một tát tai và ném ra lời thách
thức:
– Tôi với anh giao đấu tay đôi. Nếu thắng, anh muốn làm gì mặc sức.
Nếu thua, tôi sẽ chặt một cánh tay để anh khỏi làm bậy.
Tự lượng sức không thắng nổi Sơn Vương, Nguyễn Thành út đã dập đầu
lạy như tế sao, xin Sơn Vương tha tội. Từ đó, nạn cướp bóc, sách nhiễu dân
chúng mới lắng xuống.
Trở thành “quốc vương” của quần đảo, Sơn Vương bắt đầu nghĩ đến việc
thực hiện giấc mơ của ông: cưới Lệ Hoa làm vợ. Ông đặt ra một bài vè tự
ca ngợi mình, bắt trẻ con trên đảo hát, coi đó như “Quốc ca Côn Lôn quốc”.
Trong đó có câu:
Lệ Hoa đệ nhất Côn Lôn quốc
Trương Vạn Năng tứ hải vô song…
Tình thâm của Sơn Vương, con gái người gác ngục không từ chối.
Nhưng Vệ Liễn, cha cô thì vẫn khăng khăng cự tuyệt, không chịu gả con
gái cho “tên tù kẻ cướp”. Thuyết phục mãi không được, Sơn Vương đành
phải lập kế. Ông cho hàng loạt đàn em thảo đơn tố cáo tội ác của giám thị
Nguyễn Văn Liễn đối với tù nhân của chế độ trước. Lá đơn tố cáo với hàng
chục chữ ký được đệ trình lên cho “quốc vương” yêu cầu minh xét. Nắm
cớ, Sơn Vương sai Cảnh sát trưởng Nguyễn Thành út bắt Vệ Liễn tống
giam để “điều tra”.