phố cảng - một cửa ngõ thông thương buôn bán. Nhà máy, công xưởng, rồi
bến bãi hầu như không được đầu tư gì mấy, phô ra giữa nắng mưa một vẻ
còi cọc, tiều tụỵ. Giả sử không có dòng người Trung Hoa cầu thực inh ỏi
gọi tìm nhau trên bến; không có đám du thủ du thực đánh chửi nhau ngoài
cảng và không có những gã nhà quê ngờ nghệch bị nẫng mất tay nải đang
kêu khóc váng lên phía cầu tàu thì trông Hải Phòng chẳng khác gì một công
trường thủ công của châu Âu thế kỷ XVII, XVIII bị bỏ quên cho đến tận
bây giờ. Có điều, châu Âu thì Lý và A Chảy chưa đến, chưa nghe bao giờ,
kể cả trong mơ, thế kỷ XVII, XVIII họ cũng chưa từng sống, cho nên
những sự so sánh ấy cả hai đều mù tịt. Lý chỉ thấy cái hải cảng xa xôi ở
phương Nam cũng chẳng khá gì hơn xứ Amoy của cậu, nghĩa là cũng
nghèo khó, lam lũ, không một tí hứa hẹn gì sáng sủa hơn.
Khó khăn lắm hai kẻ tha hương mới lách qua được dòng người chen
chúc vội vã, loằng ngoằng những bu gà, rọ lợn, và vô số những bị, những
làn để vọt lên đến bờ. Và đứng nhìn nhau. Cái ngỡ ngàng của phút đầu tiên
đặt chân lên đất khách quê người không đủ mạnh để xua đi nét lo âu hằn
lên trên khuôn mặt họ. Ngó chiếc ống khói phía xa xa đang tuôn lên vòm
trời đầy bụi những cụm khói u ám và buồn bã, cả hai cùng khẽ thở dài. Rồi
cuộc đời họ cũng như những cụm khói kia thôi, tha hồ cho gió đẩy đưa,
lang thang vô định, không biết bao giờ mới được lai hồi cố thổ.
– Mày tính sao, Lý?
Nghe A Chảy hỏi Lý mới sực tỉnh. Gã gãi mái đầu bờm xờm:
– Tao cũng không biết. Nhưng mà về thì không được, hết tiền rồi.
Vừa nói, Lý vừa lần cạp quần. Đếm đi đếm lại bao nhiêu lần, số tiền vẫn
là 17 xu, chẳng hơn. Mặt A Chảy thượt ra. Lý cười:
– Kệ! Cứ lên phố rồi tính.
Nhưng A Chảy không muốn tính toán gì thêm. Quá chán nản với bước
kiếm tìm vô định, A Chảy quyết định ở lại phụ bán mì với một người quen
tình cờ gặp lại khi cả hai lang thang trên phố. Anh ta không muốn kéo dài
thêm những hy vọng hão huyền về miền đất hứa, chưa chắc đã có gì tốt đẹp