hình, thì bà cũng sẽ thuộc vào số những người coi bản án dành cho
anh ta là đúng.
Nhã Như nhớ đến Lại Trường Hưng, một người bạn của mình cách
đây một vài năm đã phải vội vàng rời khỏi Trung Quốc, khi cảnh sát
vào một buổi sáng đã cùng một lúc vây ráp tất cả các công ty của anh
ta. Trường Hưng có máy bay riêng luôn sẵn sàng cất cánh, và chính vì
vậy mà anh ta đã cùng với gia đình thoát ra được nước ngoài. Anh ta
đã đến Canada, một nước không có hiệp định dẫn độ với Trung Quốc.
Xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, Trường Hưng đã giành
được những thành công đáng ngạc nhiên khi Đặng Tiểu Bình cho thực
hiện chính sách thị trường tự do. Thoạt đầu Trường Hưng làm nghề
khoan giếng, sau đó trở thành người buôn lậu. Với tất cả số tiền có
được, Trường Hưng đã đầu tư vào các công ty sau đó một vài năm đã
đem lại cho anh ta một tài sản khổng lồ.
Nhã Như đã có lần đến thăm Trường Hưng ở “Thái ấp đỏ” mà anh
ta đã cho xây dựng ở Hạ Môn quê hương mình. Ở đó Trường Hưng
cũng cho xây dựng nhiều nhà dưỡng lão và trường học. Ngay từ hồi
đó Nhã Như đã khó chịu trước thói phô trương ngạo mạn của Trường
Hưng và đã cảnh báo anh ta rằng cái tính phô trương này sẽ có ngày
quật ngã anh ta. Hai người đã ngồi với nhau một buổi tối để tranh luận
về thói ghen ghét đối với những tên tư bản mới, “Triều đại thứ hai”,
Trường Hưng đã gọi một cách mỉa mai như vậy, nhưng chỉ trước mặt
những người tin cậy.
Vậy nên Nhã Như đã không hề tỏ ra ngạc nhiên khi “lâu đài bằng
giấy” ấy sụp đổ và Lại Trường Hưng phải bỏ trốn. Sau đó, một loạt
nhân vật khác có dính líu đến việc làm ăn của anh ta bị tử hình. Những
kẻ còn lại, dễ phải đến hàng trăm người, đã bị tống vào tù. Đồng thời
những kỷ niệm về một người đàn ông hào phóng vẫn tiếp tục sống
trong lòng quê hương nghèo khổ của Lại Trường Hưng. Nhã Như
cũng biết hiện nay Lại Trường Hưng đang viết hồi ký, điều này khiến
cho nhiều công chức lãnh đạo và chính khách của Trung Quốc vô