Lúc đến chân núi Tượng, người con trai ấy dừng lại, nói, giọng như tiếng
sấm. Thấy dáng đi và nghe giọng nói, ông Ruông biết đấy là một trong năm
mươi con trai từng được Lạc Long Quân đưa về thủy giới. Nàng là giống
Tiên còn ta là giống Rồng, chẳng thể sống cùng một nơi. Lời Lạc Long
Quân nói với Au Cơ trong sách Lĩnh Nam Chích Quái đã làm nảy sinh
trong đầu ông những ý tưởng đầy tính sử thi. Thôi thì cha Rồng mẹ Tiên
mỗi người một nơi cũng được đi. Nhưng một nửa số con của họ đã lên
được đất Phong Châu, lập được nước Văn Lang, làm nên nền văn minh
Đông Sơn ở phương Bắc, thì cớ chi nửa còn lại phải theo cha về thuỷ giới?
Cho nên ông mới dám nghĩ có một người con trong số con theo Lạc Long
Quân đã đến miền núi Tượng sông Tượng để trở thành thủy tổ cư dân nơi
đây. Nếu được nói nữa thì ông sẽ nói rằng, sau đó thì bốn mươi chín người
còn lại đều ra khỏi biển, đi về đất phương nam. Sau đó nữa thì sao, thì ông
bảo là để cho các nhà viết sử nghĩ tiếp. Miền sông Tượng núi Tượng trước
năm 111 trước công nguyên là thuộc bộ lạc nào hay quốc gia nào, ông
Ruông chẳng thể tra cứu. Nhưng kể từ năm 111 trước công nguyên thì quê
ông nằm trong nước Au Lạc, và bị lệ thuộc nhà Hán bên Trung Hoa. Sau
đó, đến cuối thế kỷ thứ hai sau công nguyên thì nằm trong nước Chăm Pa.
Còn sau đó nữa, đến thế kỷ thứ mưởi lăm, lại thuộc nước Đại Việt tức hậu
thân của Au Lạc. Tình trạng lịch sử và địa lý như thế khiến người ta phải
nghĩ đến sự lai tạp nhân chủng ở đây. Sự thực, ông Ruông chẳng sợ trong
ông có lai máu Hán, hay máu Chăm Pa, vì máu nào cũng là máu người. Có
điều, chỉ lo con cháu ông sau này có thể lại có chuyện cãi vã lôi thôi với ai
đó về chuyện nguồn gốc dòng giống, nên ông đã để cho một trong những
người con của Lạc Long Quân và Au Cơ thẳng đến đây, làm thủy tổ của
dòng họ mình. Theo sử sách thì thời Au Cơ và Lạc Long Quân chia con
cách thời ông Ruông khoảng hai nghìn rưởi năm. Và theo ông Ruông, vị
thủy tổ này mãi hai trăm năm sau ngày đặt chân đến sông Tượng núi Tượng
mới sinh con ( vì sao có chuyện trục trặc này, xin sẽ nói sau ).
Ông Ruông lại tính đổ đồng các bậc tổ phụ của ông người nào cũng sinh
con vào tuổi ba mươi. Như thế, tính từ đời ông ngược đến đời vị thủy tổ là
được bảy mươi sáu đời.