sắp đưa ông đến gặp bầy người nguyên thủy. Và ông đã thức dậy vào lúc
nửa đêm khi chợt nhớ đến một thứ vật thể quen thân đang được lưu giữ ở
trong nhà mình. Nửa đêm thức dậy, cầm hòn đá cuội trong tay, ông cứ để
cho trí não mình ngược về phía của quá khứ. Theo lời cha của ông, hòn đá
cuội ấy là do ông cố ông nhặt được chỗ hang hốc bờ nam sông Tượng. Đã
bốn đời truyền tay nhau để đập ngô khô. Dấu vết các tổ phụ ông để lại trên
đá tuy không còn nhìn thấy được, nhưng đấy là sự thật. Có những người đã
đập ngô khô bằng đá cuội. Những người như đã quên bẵng chuyện chén
cơm một phần gạo bốn phần ngô, đời trước cứ việc truyền cho đời sau cách
đập ngô khô bằng đá cuội. Nhưng ai là kẻ đầu tiên làm nên hình dáng của
đá như nay trông thấy, và đem đặt ở nơi hang hốc ấy? Khi đã loại được
những yếu tố ngẫu nhiên, trí não ông như sắp nhìn thấy được bàn tay tạo
tác của con người, thì tất cả lại nhòa đi trong màu bí ẩn của quá khứ. Cho
đến hôm thằng Cỏ, cháu ông, bảo sẽ cho ông xem những con bò bằng đất ở
nơi hang hốc ấy, thì giấc mộng tìm ra được cái nôi loài người ở chốn núi
rừng ấy lại trổi dậy trong ông.
-Cháu bảo những con bò bằng đất hiện đang ở chỗ nào?
Ông thấy háo hức như sắp được bước vào bến bờ cổ xưa. Nếu như cháu
ông tìm thấy những tượng bò bằng đất ở những hang hốc ấy thì quả là ông
đã bắt gặp được chỗ bắt đầu cho cuộc tìm kiếm của mình. Phải, thằng Cỏ
anh đã đưa ông đến một trong những hang hốc ở bờ nam sông Tượng. Và
ông cứ muốn hét to lên cho cả loài người biết là ông đã nhìn thấy một kho
tàng nghệ thuật của người tiền sử ngay trên mảnh đất chôn nhau cắt rốn của
mình. Chẳng khác những tượng đất nung được khai quật trong các cuộc
khảo cổ, những tượng bò bằng đất đen lán nằm ngổn ngang trong cái hốc
núi ông nhớ là mình đã qua lại đó bao nhiêu lần mà chẳng phát hiện được.
-Cháu đã tìm thấy những tượng ấy ngay nơi đây, hay là mang từ nơi khác
đến?
Ông sốt ruột hỏi
-Là cháu làm ra lũ bò đấy.