Địa chất bùn sét của phía bờ này bị mưa lũ bào xói lâu ngày biến thành một
bức trường thành có thứ màu sắc âm u và những họa tiết kỳ dị. Khoa học
ngày nay cho biết bùn sét là nơi có thể hình thành sự sống ( cũng như trong
nước của đại dương, hay trong khỏang không gian của vũ trụ) Nên bức
trường thành bùn sét bờ bắc sông trông thấy ngày nay là thứ thời không
gian đầy bí ẩn. Từ ngày có duyên với sách vở, ông Ruông đã lật tung bao
cổ thư để kiếm tìm dấu tích tổ tiên loài người ở chốn núi rừng này. Rồi để
củng cố dòng họ mình, ông bảo có một người con trong những người con
của Lạc Long Quân và Au Cơ đã đến đây để trở thành thủy tổ dòng họ nhà
ông. Trí tưởng tượng của ông cũng chỉ vươn đến khi con người đã biết
phân biệt giữa thời gian và sự vĩnh hằng. Còn trước đó, đối với ông vẫn là
những gì còn mờ mịt. Nhưng lòng kiêu hãnh, thứ thuộc tính quỉ quái của
loài người, đã không để ông yên. Cứ canh cánh trong lòng một ngày nào
ông sẽ nhìn thấy tại chốn núi rừng này mảnh xương người nguyên thủy, để
chứng tỏ rằng nơi ông chôn nhau cắt rốn cũng là cái nôi của lòai người. Có
những hôm ông thơ thẩn dọc lòng sông sỏi đá, hoặc ngồi hằng giờ để ngắm
nhìn những hang hốc lở lói ở bờ nam sông Tượng. Bầy người nguyên thủy
có trú lại đêm nào ở những hang hốc ấy không? Trả lời câu hỏi này là
những cuộc tháo lột ký ức mệt đến lả người. Tất nhiên là ông phải bắt đầu
từ những năm tháng cơm mo cau lủng lẳng ngang hông, lùa bò vào rừng
núi Tượng xong là chui vào một trong những hang hốc ấy. Với đám trẻ
chăn bò bọn ông ngày ấy thì mọi thứ đều có thề xảy ra ở những hang hốc
ấy. Từ việc moi trộm khoai lang khoai mì đem vào hang nướng ăn, đến việc
lăn ra hang ngủ suốt ngày, hoặc nổi ưng lên là đánh nhau, vật nhau. Nguyên
nhân thì nhiều, mà hậu quả thường là vật nhau. Đánh sấp ngửa thua, đánh
bồ thua, là vật nhau. Cãi nhau về một chuyện vớ vẩn nào đó cũng đi đến
chỗ vật nhau. Trừ những hôm thả bò ở gò Tháp, bò ăn buổi, còn ăn ngày ở
núi Tượng, thì những hang hốc ấy là nhà của đám trẻ bọn ông. Thả bò ăn
ngày ở núi Tượng vào mùa mưa dầm thì có vẻ thú hơn mùa nắng, vì có
chuyện đốt lửa trong hang để hơ quần áo. Cả một lũ đều trần truồng, phơi
cả chim lẫn bướm ra, vừa hơ quần áo, vừa ôm nhau la hét. Không ngờ là
thời thơ trẻ của ông lại gần gũi nguyên sơ đến thế. Cứ thế, làm như ký ức