sông Tượng núi Tuợng, lúc đó cũng đã bớt ngu ngơ, để hiểu được rằng, ta
đang mặc áo khố của chúa Nguyễn tức là giặc của vua Lê. Cơ đồ hai trăm
năm của họ Nguyễn đã đổ thật. Chúa Nguyễn Phúc Thuần cùng vương thất
thoát được về phương nam. Nhưng ta thì bị bỏ lại kinh thành. Ta có vứt bỏ
áo khố của chúa Nguyễn cũng chỉ để may ra còn được sống. Có nghĩa, bấy
giờ ta chưa hiểu hết giá trị thằng người của ta. Có nghĩa, ta đã không bị
chúa Trịnh giết, mà còn được mặc áo khố của chúa. Khi đã phổ được hí
khúc ta hát rằng, khi đã đổi được áo khố thì ta là giặc liền trở thành ta
không phải là giặc. Như vậy là ta nghiễm nhiên đứng vào đội ngũ những
người làm công việc dẹp loạn Tây Sơn và truy đuổi tàn quân giặc Nguyễn.
Có một đêm ta không ngủ được vì cứ nghĩ đến niềm hạnh phúc của mình
(ta cho rằng mình đương là giặc bỗng trở thành không phải là giặc là hạnh
phúc) Nghĩ đến niềm hạnh phúc, và thấy nhớ cha mẹ vợ con (khi người ta
hạnh phúc thì thường nghĩ đến kẻ khác) Cứ nằm nghĩ ngợi cho đến sáng.
Lúc thấy trời sáng thì chợt nhớ ra là ngày và đêm vẫn đang tiếp nối nhau.
Khi nhớ ra điều này, ta lại thấy thắc mắc trong lòng là chẳng biết những
ngày sắp tới thì giữa chúa Trịnh và Tây Sơn ai thắng ai bại. Cứ thắc mắc
suốt về chuyện này, cho đến hôm Tây Sơn đánh chiếm Phú Xuân, quan
quân chúa Trịnh bỏ chạy hết về bắc, ta mới thấy hết thắc mắc. Lần này thì
ta đã học được kinh nghiệm của lần trước. Tức, cứ bình tĩnh cởi áo khố của
chúa Trịnh vứt đi, rồi chờ người ta chấp nhận giá trị thằng người của ta.
Đúng như ta nghĩ, Tây Sơn cần binh lính để làm cho xong công việc diệt
Trịnh Nguyễn phò Lê, nên đã không bỏ sót ta. Khi đã được mặc áo khố của
Tây Sơn, ta cứ làm ra vẻ hồn nhiên, như trước đó ta chưa hề mặc áo khố
của ai. Và liền sau đó ta lần lượt bước vào những bước vinh quang. Bước
vinh quang đầu tiên là được đứng trong đoàn quân Tây Sơn tiến ra phía
bắc, diệt họ Trịnh, gom giang sơn về một mối, và giao cho vua Lê. (Nếu
như được mặc áo khố Tây Sơn sớm hơn một chút, ta đã được đứng trong
đoàn quân đi diệt họ Nguyễn ở phía nam) Nhưng vua Lê Chiêu Thống lại
lấy làm không hài lòng về việc có một vị vua khác là vua Tây Sơn, tức vua
Thái Đức Nguyễn Nhạc, đang ngồi ở nơi thành Hoàng Đế, dù là thành này
nằm khỏang giữa nước, cách kinh thành Thăng Long của vua đến ngàn vạn