Thấy ông Ruông ngồi tẩn mẩn ốp những mảnh vỏ trứng lên những quả
trứng ấp bị móp bị nứt, thằng Cỏ anh nói :
-Ông nội đang hóa phép để mỗi cái trứng nở được nhiều con gà con phải
không ?
Ý tưởng ngộ nghĩnh của cháu khiến ông Ruông càng phấn khích hơn :
-Nở bao nhiêu gà con là chuyện về sau. Còn bây giờ thì ông đang vá trời.
-Ông đang đắp thêm vỏ trứng, chứ vá trời nào ?
-Là do cháu nghĩ chưa ra đó thôi. Cả ông, cả cháu, và cả những quả trứng
gà bị móp bị nứt này đều là của trời sinh. Ông đắp thêm vỏ trứng chẳng
phải là vá trời hay sao?
Thực ra, thằng Cỏ anh cũng chẳng cần hiểu những lời cắt nghĩa đó. Nó chỉ
thấy vô cùng thích thú với cái tên gọi thứ công việc ông nó đang làm.
-Là ông tao đang vá trời…
Thằng Cỏ anh vừa chạy đi tìm lũ bạn , vừa reo ầm lên thế.
Còn vợ chồng anh Rác, tuy không dám nói ra, nhưng không dám nghĩ là
những quả trứng được vá vỏ ấy cuối cùng lại nở được con gà con.
Phải nói là khi trông thấy con gà con chui ra khỏi quả trứng do chính tay
mình vá, ông Ruông cũng vui sướng y như khi ông chui ra khỏi lòng mẹ.
Tất nhiên, niềm vui khi ra khỏi lòng mẹ là do ông suy đoán. Còn niềm vui
khi chuyện đùa vá trứng lại thành chuyện thật, thì ông vừa thực sự trải qua.
Thằng Cỏ anh đi nói với lũ bạn nó ở trong làng rằng một cái trứng gà bị
nứt, đáng lẽ là đem luộc ăn, nhưng ông nó đã hóa phép để cái trứng nở ra
con gà con. Toàn bộ những người nuôi gà đẻ ở miền sông Tượng núi
Tượng bắt đầu làm theo phương thức vá trời của ông Ruông.
Anh Rác nói:
-Lần này cha không ra tay cứu giúp, vợ chồng con cái con chắc chết. Vì
nếu quay lại nuôi heo nuôi bò, thì bán hết đám gà đẻ cũng chỉ đủ mua được
nửa con heo hoặc một góc tư con bò.
Nhưng với ông Ruông không phải chỉ là chuyện cơm áo. Trong lần đùa thử
với tự nhiên này (vá thử trứng, trứng nở ra gà) ông cảm thấy trí não mình
như đã vươn tới chỗ đỉnh cao của nhận thức.
Ông chép trong Hồ Sơ Các Bậc Tổ Phụ :