hai của ngôi biệt thự vẳng ra một ca khúc của Sube, bài Ave Maria mà
Nguyệt rất quen thuộc.
- Việc có cần lắm không chị? - Người lính dường như không thắng nổi
sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm của Nguyệt, hoặc giả nhìn thấy tình cảnh
Nguyệt, anh cũng thấy mủi lòng, anh đi lại gần Nguyệt và hỏi.
- Cần lắm đồng chí ạ. Bỗng dưng ai đến đây đêm hôm mưa gió làm gì.
- Thế chị có giấy tờ gì không?
- Có đây ạ. Tôi làm việc ở khách sạn.
Người lính đưa tờ giấy ra ánh sáng đèn, rồi bảo:
- Chị ngồi đây đợi tôi một lát vậy. Không được đi đâu đấy nhé.
Nguyệt mừng thầm và nghĩ rất có thể đồng chí bí thư có ở nhà. Quả
nhiên, một lúc sau người lính từ trên gác đi xuống, mở cửa gian đại sảnh và
bảo Nguyệt:
- Mời chị vào ngồi đợi ở trong này. Chị đợi cho một lát, đồng chí bí thư
sẽ tiếp chị.
Nguyệt cám ơn người lính tốt bụng và bâng khuâng bước vào gian phòng
khách sáng trưng ánh đèn.
Cuộc gặp giữa đồng chí bí thư và Nguyệt diễn ra hơn một giờ. Đồng chí
bí thư là một người đã luống tuổi, mái tóc bạc trắng cử chỉ chậm chạp
nhưng tỏ ra rất chân tình. Ông mở cuốn sổ dày và ghi kín từng trang. Chốc
chốc ông lại bỏ kính nhìn Nguyệt, rồi thốt lên mấy tiếng "à", "ồ" tỏ ý ngạc
nhiên.
- Xin bác hiểu cho rằng cháu làm những việc này hoàn toàn không phải
vì động cơ cá nhân hay sự thù ghét một ai đó. - Nguyệt nói. - Hai mươi
năm trong ngành du lịch, cháu rất thiết tha với nghề nghiệp của mình.
Chính vì thế cháu muốn ngành du lịch của chúng ta phải trở thành một
ngành kinh tế làm giàu cho đất nước. Muốn vậy trước hết ngành du lịch
phải có một chiến lược sử dụng con người. Cần phải có một đội ngũ cán bộ
giỏi nghiệp vụ, giỏi ngoại ngữ, biết giao tiếp và tổ chức hướng dẫn du lịch,
chứ không thể là những người dốt nát, chỉ mong lợi dụng du lịch như một