sau, ôm lấy eo lưng của cô con gái.
Cái đồ dê cụ. - Mộng Lương hơi nhăn mặt khi bàn tay chuối hột của Bùi
Sùng áp vào da thịt mình. Cô cảm thấy nhồn nhột, ghê ghê, nhưng không
biết làm cách nào có thể đẩy cái bàn tay nhớp nhúa ấy ra được. Thôi, mặc
lão. Đôi mắt Mộng Lương nheo lại, vẻ bất cần. Cứ để cho lão ta lợi dụng
nốt. Chẳng là cái gì mà đáng phải bận tâm. Chỉ một giờ nữa là mình đã
"good bye" lão và vi vu ở trên trời. Chấm dứt một màn kịch.
Vừa dừng xe trước cổng sân bay, Kim Thanh nói với Mỹ Lệ.
- Hình như lão ta về hẳn. - Mỹ Lệ ngập ngừng, như đưa ra một phỏng
đoán. Nhưng thực ra chính cô đã biết tỏng chuyến đi này của Pôn từ ba
hôm nay rồi. Đêm ấy, chính cô đã chủ động lấy được năm mươi đô la của
Pôn để góp thêm vốn cho chuyến du học, và biết chắc chắn rằng Pôn sẽ
cùng bay trên chuyến bay này với cô cho tới Carasi.
Pôn không nhìn thấy những người bạn ở khách sạn Hà Thành đang bàn
tán về mình. Anh có vẻ như một người khách cô đơn nhất trong chuyến bay
này. Hành lý của anh nhẹ tênh. Không có đồ cổ. Không có hàng mỹ nghệ.
Thậm chí một chiếc làn cói, một vành nón trắng tượng trưng cho xứ sở
nhiệt đới mà anh đã gắn bó bao năm trời cũng không có nữa. Anh đến đất
nước này với lòng hăm hở và sự ngưỡng vọng, và ra đi với nỗi cô đơn, với
nỗi buồn da diết như phải từ biệt chính quê hương mình.
Hành khách đã ra sân bay cả rồi, mà anh vẫn chần chừ như ngóng đợi ai
đó. Anh nhìn về hút con đường vào sân bay, về tít những hàng tre phía xa.
Mong đến thắt lòng một dáng người. Nhưng vô vọng. Cho tới lúc bước vào
khoang máy bay, Pôn mới nhận ra Mỹ Lệ. Cô đưa tay lên chào và mỉm
cười. Pôn gật đầu chào lại và đi về ghế ngồi của mình. Chính Pôn cũng
không hiểu sao, với Mỹ Lệ anh lại dửng dưng đến thế. Cứ như là hai người
quen sơ nhau từ rất lâu rồi.