tống khứ nó đi thì rước họa vào thân cho mà xem.
- Nhưng mà con chó là sao cơ chứ? - Ông Giáp hỏi.
Bà vợ thuật lại câu chuyện. Bà ra cho lợn ăn, nghe thấy tiếng con Sói
Lửa rên ư ử ở gốc bưởi. Bà quay nhìn thì thấy nó đang chồm hai chân lên
võng. Trông mắt nó vừa gian gian vừa man rợ. Ông Giáp có vẻ nghi hoặc.
Ông nói:
- Không có lẽ. Để rồi xem. Hay là mình nhìn nhầm? Lúc nào nhà cũng
sợ nó phản chủ nên nhìn ra thế.
- Lại còn thế nữa. - Bà vợ không tranh cãi, chỉ nói thế.
Câu chuyện con Sói Lửa với em bé con cô em ông Giáp dần dần rồi cũng
thành chuyện bình thường. Hai anh em Dũng vẫn cùng chơi với hai con
chó. Thậm chí có khi một mình em bé chập chững ra vườn chè cùng với
con Sói Lửa. Dũng để ý thấy con Sói Lửa có vẻ “dốc lòng” vì bé lắm. Hễ
bé chỉ cái gì mà làm được là nó làm ngay: đuổi theo con chuồn chuồn, đuổi
con nhái bén, có khi bé còn đè lên lưng nó bắt nó nằm xuống. Dũng kể cho
mẹ nghe những điều nó nhìn thấy. Mẹ Dũng bảo:
- Chắc là đe nhiều nó cũng biết sợ. Nhưng coi chừng, thú rừng không
mấy con nuôi thuần đâu con ạ. Khi đủ lông đủ cánh rồi nó phản đấy. Chả
thế mà người ta bảo “Nuôi cò, cò mổ mắt”. “Nuôi hùm để lo” à?
Nghe mẹ nói cũng có lý, Dũng lại hoang mang.