một cái. Anh chàng hiểu ý, cười gượng vội đút tiền lại.
Sau lần đó, thỉnh thoảng Thắng và Rikak lại gặp nhau. Khi ở nhà Hữu
Nghị, lúc ở chỗ cắm trại, tham quan hoặc thi đấu thể thao. Quan hệ của họ
không mặn mà hơn song cũng chẳng phai nhạt đi. Cho đến những tháng
vừa rồi, sau quyết định thay đổi cơ cấu hàng Thắng chợt nhớ tới Rikak.
Hàng năm, sau vài lần đi phép, mỗi lần sang, Rikak thường xách theo đủ
thứ từ ti vi mầu, catsét đến cả Viđiô. Những thứ này Rikak vừa dùng giải
trí, vừa sử dụng như một thứ "lương khô", đẩy ra các cửa hàng đồ cũ, lấy
tiền tiêu xài.
Chiếc Sanyo này, Thắng không hề mua rẻ của Rikak. Anh mua theo giá
đặt của cửa hàng. Rikak còn được lợi là không phải mất bảy phần trăm tiền
ký gửi.
Sau khi nghe Thắng trình bày xuất xứ của chiếc Sanyo, bà thiếu tá dài
giọng bảo:
- Hành động của anh thực chất là tiếp tay cho hàng phi mậu dịch, vượt
rào vào lũng loạn kinh tế nước chúng tôi đấy.
- Dạ, thưa bà không hẳn như thế ạ! Tôi có đủ giấy tờ của chính Hải quan
cửa khẩu sân bay tại đây cấp cho anh ta. Thắng cố sức thuyết phục. Theo
điều lệ mới ban hành mỗi năm anh ấy chỉ được đem vào đây mỗi thứ một
đơn vị hàng đắt tiền. Chiếc này, thưa bà, được phép nhập theo đúng điều lệ
mới cách đây hai tháng đấy ạ!
- Tôi hiểu. Nhưng giấy phép ghi là để sử dụng chứ không phải là để bán.
Bà thiếu tá vặn lại.
- Dạ, thưa bà đúng thế ạ! Nhưng ta nên hiểu nghĩa của từ "sử dụng" một
cách thoáng hơn, trong đó có bao hàm cả ý được "nhượng lại" cho người
khác. Thắng tìm được một câu hài hước cho không khí chùng lại, đỡ căng
hơn.
Bà thiếu tá cười nhạt:
- Anh làm luật sư có lẽ thích hợp hơn nghề khác đấy! Nhưng mà thôi, dài
dòng về chuyện này thế là đủ rồi. Anh cho đóng gói lại và chuyển ra chỗ
chiếc đàn dương cầm và tủ lạnh kia.