định rủ Lâm xuống đi bộ. Mãi cho tới sau ngày cưới, cùng ngồi ôn lại
những kỷ niệm xưa. Tâm mới nói rõ lý do của buổi "cuốc bộ" hôm đó. Thì
ra trong túi Tâm chỉ còn tiền đủ mua một vé cho mình. Cô không muốn lần
đầu tiên đi với Lâm lại để anh "bao" mặc dù đó chỉ là chiếc vé xe điện.
- Cũng tự trọng ghê nhỉ - Lâm nhìn vợ nói đùa.
- Em có thể vượt qua được tất cả. Em chỉ sợ... sợ nhất là phải nhờ cậy
đến ai, phải nhờ vào họ điều gì. Tâm nói một cách chân thành. Về sau,
trong phút thoáng qua. Lâm có nhớ lại câu nói này. Nhưng tiếc thay, anh đã
không hiểu hết về vợ mình... Sau lần "cuốc bộ" ấy, tình cảm giữa hai người
có phần gần gũi hơn, nhưng cũng chưa có buổi phát triển nhảy vọt. Một
năm rưỡi sau, Lâm đang học dở dang năm cuối cùng, đang chuẩn bị bảo vệ
luận án thì được tin nhà trường cần tuyển một số sinh viên sắp tốt nghiệp
bổ sung cho mặt trận. Mặc dù trong diện được giữ lại đào tạo cán bộ giảng
dạy, Lâm vẫn là người xung phong đầu tiên. Cùng với những người ra đi
đợt ấy, anh được xét đặc cách tốt nghiệp.
Tâm chép vào cuốn sổ lưu niệm của Lâm bài thơ "Cuộc chia ly màu đỏ".
Và trước lúc chia tay, trước lúc Lâm leo lên thùng xe vận tải, Tâm đã nói
với anh qua hai hàng nước mắt: Em sẽ chờ, dù mười năm hay lâu hơn, em
vẫn chờ... Hãy tin ở em.
Lâm trở thành chiến sĩ mở đường Trường Sơn. Rồi một đại đội trưởng
công binh với những cú đánh mìn táo bạo. Đầu năm 1973, sau hiệp định
Pari anh mới được ra Bắc ít ngày. Lúc ấy Tâm đã trở thành một cán bộ
giảng dạy văn học phương Tây ở một trường nghiệp vụ của Bộ Văn hoá.
Vào thời điểm đó, hoà bình đã nằm trong tầm tay, nhưng chiến tranh cũng
không ai đoán được đến bao giờ kết thúc. Có gì mà phải chờ đợi. Thế là lễ
cưới của họ được tiến hành.
Sau lễ cưới hai tháng. Lâm lại đi vào. Mãi cho đến ngày toàn thắng, đất
nước thống nhất, họ mới gặp lại nhau.
Ba năm sau họ mới sinh được cháu trai đầu lòng - thằng Hùng. Sau khi
sinh nở Tâm phổng phao hẳn ra, đẹp lộng lẫy như một đoá hoa đương độ
hương sắc nhất.