người ta vẫn nói chuyện với những đứa trẻ đang giả vờ ngủ. Bà bảo chị ta:
“Tôi biết là chị đang nghe tôi nói.”
Nina Dorval từng có kinh nghiệm về chuyện này: việc tái lập hiện
trường đôi khi có tác dụng như một loại thuốc hiện hình, giống như những
nghi lễ trong đạo Vô đu khi mà nỗi lo sợ làm bật ra một sự thật trong cơn
đau đớn, khi mà quá khứ được chiếu rọi bằng một luồng sáng mới mẻ. Một
khi được dàn cảnh, có thể phép màu sẽ xảy ra, một chi tiết nào đó sẽ xuất
hiện, một mâu thuẫn nào đó rốt cuộc sẽ có ý nghĩa. Ngày mai, bà sẽ bước
vào tòa nhà trên phố Hauteville, nơi vài bó hoa và những bức vẽ trẻ con
đang tàn úa trước cửa. Bà sẽ vòng qua những ngọn nến và đi thang máy. Căn
hộ, nơi không có gì thay đổi từ cái ngày tháng Năm ấy, nơi không có ai đến
lấy đồ đạc hay thậm chí là thu dọn giấy tờ, sẽ là sân khấu của vở diễn kinh
khủng đó. Nina Dorval sẽ gõ cửa ba lần.
Ở đó, bà sẽ để mình bị nhấn chìm trong cơn chán ngán, trong sự ghét
bỏ mọi thứ, căn hộ, máy giặt, bồn rửa bẩn thỉu, những đồ chơi vương vãi
khỏi hộp và nằm chết lặng dưới gầm bàn, lưỡi kiếm nhọn hoắt chĩa lên trời,
tai rủ xuống. Bà sẽ là Louise, người đã nhét ngón tay vào tai để khiến những
tiếng la hét và khóc lóc ngừng lại. Louise, người đã đi đi lại lại từ phòng ngủ
ra phòng bếp, từ phòng tắm ra phòng bếp, từ sọt rác ra chỗ phơi đồ, từ
giường ra tủ tường ở cửa, từ ban công vào phòng tắm. Louise, người đã
quay lại và rồi lại quay đi, người đã cúi xuống và nhón bước trên đầu ngón
chân. Louise, người đã lấy con dao trong một ngăn kéo. Louise, người đã
uống một cốc rượu vang bên cửa sổ mở rộng, một chân đặt trên ban công
nhỏ.
“Các cháu, lại đây. Các cháu chuẩn bị tắm nhé!”
HẾT