người quảng đi ăn mì quảng
131
Ngó lên mấy cái quạt kia lần nữa, thấy cái nào cái
nấy kích cỡ to đùng, trên mặt quạt vẽ đủ thứ tranh
phong cảnh, mới sực nhớ loại quạt này là để trang
trí trong nhà chớ chắc không phải để... quạt. Thì ra
cái quạt máy chỉ cốt để... quạt cho mát, chứ cái quạt
truyền thống đôi khi còn làm chức năng của một bức
tranh. Ờ, đúng rồi, người xưa không chỉ vẽ tranh mà
còn đề thơ trên quạt: thi-họa gồm đủ. Rồi nhớ người
xưa (à quên, cả người nay nữa) còn dùng quạt để múa,
mới nhớ nó liên quan đến cả âm nhạc và vũ đạo.
Như vậy cái “quạt tay cầm” thoạt trông có vẻ tầm
thường kia gắn bó với văn học nghệ thuật mật thiết
biết chừng nào. gắn bó còn ở chỗ: những người kể
chuyện dạo thời xưa chỉ với một cái quạt trên tay mà
diễn tả đầy đủ sắc thái tình cảm của con người: quạt
che lên mặt để tả thiếu nữ thẹn thùng, e ấp, xếp quạt
đập lên lòng bàn tay là giận dữ bực mình, phát vào
bụng người nghe là ra điều sát phạt binh đao...
Nhắc đến hai chữ “binh đao” mới nhớ cái quạt
không chỉ gần gũi với văn mà còn ruột rà với võ. Tuy
không được liệt tên trong thập bát binh khí, nhưng
xem trong phim đọc trong sách, thấy cao thủ thời xưa
vẫn không ít người dùng quạt làm vũ khí, trong trường
hợp đơn đả độc đấu, quạt gọn nhẹ, tiện dụng khi quét,
đánh, đỡ, điểm. Để tăng phần hiệu dụng, cao thủ đúc
quạt bằng kim loại, bọn gian ác còn giấu ám khí trong
quạt, bấm cán quạt, ám khí bay ra như lông nhím, cắm
vào người “tách, tách, tách...”. Xem phim Ngọa hổ tàng
long, thấy Lý Mộ Bài khiển quạt vô cùng thiện nghệ.