22
nguyễn nhật ánh
phòng thay quần áo, tưởng như bên trong sắp đổ máu
tới nơi!
May làm sao, chỉ vài phút sau họ lại đi ra. Lần này,
với độc một chiếc quần tắm trên người, trông họ đã
khác. Khi rũ bỏ những thứ nghi trang lẫn vẻ mặt cô
hồn đằng sau cánh cửa gỗ, nom họ giống mọi người
hơn, nghĩa là lương thiện. Thậm chí khi tháo những
cặp kiếng “hình sự” kia ra khỏi mắt, mặt họ trông non
choẹt, mười chín đôi mươi. Hóa ra họ chẳng phải là
những sát thủ đến từ đảo Sicile hay từ những mỏ vàng
Texas. Đấy chỉ là những chàng trai ưa lập dị của chúng
ta.
Mãi về sau, khi có dịp xem một vài bộ phim xã
hội đen của Hồng Kông, tôi mới rõ những chàng trai
hôm nọ đã vay mượn cái vỏ bề ngoài lạ lẫm kia từ
đâu. Nhưng sự sao chép này không phải là hiện tượng
hiếm hoi, càng không duy nhất. Từ khi diễn viên Jane
March xuất hiện trong phim Người tình với chiếc nón
hẹp vành, loại nón này lập tức được các cô gái ưa
chuộng đến mức các nhà sản xuất phải vội vàng nghiên
cứu mẫu mã và tung ra hàng loạt.
Thế mới biết, để văn hóa của dân tộc này được chấp
nhận bởi một dân tộc khác xem ra còn lắm cam go
nhưng để lối ăn mặc của nước này du nhập vào nước
nọ đôi khi lại quá sức dễ dàng. Cố nhiên, trang phục
cũng là một biểu hiện của văn hóa, nhưng nó là bề nổi.
Để đến được với bề sâu, đòi hỏi phải cảm thông và
thấu triệt. Đến với bề nổi, chỉ cần mô phỏng, nói khác
đi, là bắt chước!