NGÀY THỨ NĂM
6
Quyển nhật ký và những bí mật ẩn giấu
Thứ Hai ngày 8 tháng 4 năm 1968, việc đầu tiên tôi làm lúc 8 giờ rưỡi là
gọi điện thoại đến bệnh viện Oslo. Họ khuyên tôi nên đến ngay khi có thể
nếu có điều gì quan trọng cần hỏi ông Anton Hansen. Tôi cảm ơn và yêu
cầu họ thông báo để ông biết tôi sẽ đến gặp ông trong ngày.
Nghiên cứu sinh ngành sử học Bjorn Erik Svendsen đứng đầu danh sách
tiếp xúc của tôi trong ngày. Tôi không cần phải chờ đợi lâu. Đúng 8 giờ 45
phút, cậu ta thở hồng hộc xuất hiện trước mặt tôi và hết sức xin lỗi không
thể đến sớm hơn, do trễ xe buýt. Tôi nhận ra Bjorn Erik Svendsen là người
học ngành lịch sử ngay khi cậu ta xuất hiện ở lối vào. Thân hình cò hương,
mắt kính xỏ dây đeo lủng lẳng trên cổ, ba lô sau lưng, kiểu tóc của ‘The
Beatles’, các huy hiệu chống chiến tranh Việt Nam và ủng hộ Đảng Nhân
dân Xã hội, đó gần như là một trong những bức vẽ nhận dạng của những
sinh viên ‘bị truy lùng’ mà tôi và vài đồng nghiệp trẻ hay làm để giải khuây
vào giờ nghỉ trưa. Cậu ta bắt tay tôi thật chặt; và chất giọng thân thiện của
cậu trở nên linh hoạt hơn ngay khi cái tên Harald Olesen được đề cập.
Câu chuyện về mối quan hệ giữa Bjorn Erik Svendsen với ông Harald
Olesen khá đơn giản và có thể tin được. Ba năm về trước, cậu ta bắt đầu
làm luận án về mối liên quan giữa phong trào Kháng chiến và những người
cộng sản. Sau khi tìm tòi một năm, cậu đã tìm cách liên lạc với vài nhân vật
chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc. Ông Jesper Christopher Haraldsen cùng vài
nhà lãnh đạo khác tỏ ra khá kiêu căng và từ chối tiếp, trong khi ông Harald
Olesen đồng ý gặp cậu ngay. Mặc dù có những khác biệt về tuổi tác và hiểu
biết chính trị, hai người rất tâm đầu ỷ hợp. Svendsen lý giải tình bạn của họ
là do ông Olesen có năng lực trí tuệ đáng nể. Cậu ta nói thêm rằng cũng có