Ký ức tuổi thơ duy nhất của tôi về người bà của mình là mệnh lệnh không
bao giờ được nhắc đến chiến tranh nếu bà Dagmar đi dự họp mặt gia đình
lần nữa. Bà không bao giờ đến nữa.
Với câu hỏi rằng liệu số phận của bà Dagmar có truyền cảm hứng cho tôi
học lịch sử, và đưa cuộc Thế chiến thứ Hai trở thành một trong số những
chuyên ngành của tôi, câu trả lời là hoàn toàn không. Tôi chỉ biết được câu
chuyện thời chiến của bà một vài năm sau khi tốt nghiệp. Và với mối quan
hệ gia đình gần gũi, sau đó tôi đã quyết định không viết về bà với tư cách
một nhà sử học.
Với câu hỏi rằng liệu cuộc đời và số phận của bà Dagmar Lahlum có
truyền cảm hứng cho quyển tiểu thuyết trinh thám này, câu trả lời là nhất
định có. Ở Na Uy, cũng như nhiều nước khác, những bức tranh về số phận
con người trong Thế chiến thứ Hai thường có màu đen và trắng. Chắc chắn
đó là việc đúng đắn phải làm liên quan đến một số anh hùng thời chiến
hoặc tội phạm chiến tranh. Nhưng cũng có nhiều, rất nhiều câu chuyện về
‘vùng xám’ của chiến tranh, vốn luôn chuyển động và khơi gợi nhiều suy
nghĩ. Chúng ta vẫn có thể chờ đợi để xem liệu rồi có bất kỳ nghiên cứu lịch
sử nào trong tương lai có thể khám phá ra vị trí thực sự của bà Dagmar
Lahlum trong vùng xám của chiến tranh hay không. Tuy nhiên, điều quan
trọng trong ngữ cảnh này là những trải nghiệm trong những năm cuối của
chiến tranh đã đeo đuổi bà dai dẳng suốt quãng thời gian bốn mươi năm
còn lại của cuộc đời bà. Từ thời điểm được thả ra vào mùa hè năm 1945
cho đến cái chết của bà trong mùa Giáng sinh năm 1999, bà út Dagmar
Lahlum của tôi đã là một ví dụ sống của một thân phận được Patricia
Louise I. E. Borchmann gọi là ‘người ruồi’ trong quyển tiểu thuyết này,
một hình tượng cũng có thể được dùng để mô tả bản thân cô Patricia và
một số nhân vật chính khác trong tác phẩm. Vì thế, tôi chưa bao giờ có chút
nghi ngờ gì về tên tiểu thuyết đầu tay của tôi, cũng như người mà tôi sẽ đề
tặng trong quyển sách này.
Gjovik, 20 tháng 9 năm 2013
Hans Olav Lahlum