9
Năm 1966, sau tám năm dạy ở McKee, tôi thấy đã đến lúc nên làm việc
gì khác hơn. Ngày ngày tôi vẫn phải vất vả mới thu hút được sự chú ý học
sinh năm lớp, dù tôi đã học được điều hiển nhiên này: anh phải dạy theo
cách của anh. Anh phải tự thấy đâu là sở trường của mình. Anh phải phát
triển cách dạy của anh. Anh phải nói đúng sự thật kẻo lòi đuôi ngay. Ơ, thưa
thầy, tuần trước thầy đâu có nói thế ạ. Đây không phải là chuyện đạo đức
hay nhân cách.
Thành ra xin tạm biệt trường Trung học Hướng nghiệp và Kỹ thuật
McKee. Với tấm bằng thạc sĩ mới toanh tôi tới dạy ở trường Cao đẳng
Cộng đồng New York ở Brooklyn là nơi anh bạn tôi, giáo sư Herbert Miller,
đã tìm giúp cho một chân phụ tá giảng viên, bậc thấp nhất ở hệ thống đại
học. Tôi sẽ chỉ phải dạy năm hoặc sáu tiết mỗi tuần, chứ không phải mỗi
ngày. Thật là thần tiên với biết bao giờ rảnh. Tuy thu nhập chỉ bằng nửa
lương thầy giáo trung học nhưng sinh viên gần tuổi trưởng thành sẽ chịu
khó nghe và trọng thầy. Họ sẽ không quăng thứ này ném thứ kia trong lớp.
Họ không phản đối hay phàn nàn về bài tập phải làm trong lớp hay ở nhà.
Hơn nữa họ gọi tôi là giáo sư khiến tôi thấy mình thành quan trọng hẳn. Tôi
phải dạy hai môn: Văn học nhập môn và Căn bản sáng tác.
Các sinh viên của tôi là người lớn, đa số chưa tới ba mươi, họ làm việc
trong các cửa hàng, nhà máy và văn phòng trên khắp thành phố. Có một lớp
tới ba mươi ba lính cứu hỏa, họ mong có bằng đại học để được thăng tiến,
toàn da trắng, đa số gốc Ireland.
Còn lại hầu hết là da đen hoặc dây mơ rễ má với gốc gác Tây Ban Nha.
Tôi có thể là một người trong bọn họ lắm chứ: ban ngày đi làm, tối đi học.
BỞi không còn chuyện kỷ luật trong lớp nữa nên tôi đã phải thích nghi và
nghĩ ra một cách dạy mà không cần bảo sinh viên làm ơn ngồi xuống và giữ
im lặng. Nếu đến trễ thì họ xin lỗi rồi ngồi vào chỗ, thế thôi. Tiết học đầu
tiên thú thật tôi chẳng biết phải làm gì khi sinh viên vào chỗ, chờ nghe tôi