Phục phịch như ông Di Lặc. Bụng bia. Mặt húp híp. Đi lại đã khạng nạng
lại lăng xăng. Và rất hay huýt còi.
Hôm nay, thầy Quang Tình vừa nói nhận xét của mình như vậy thì thầy
Trần Đình đã kéo tay thầy và thầy Lễ:
- Còn một hiện tượng nữa đáng gọi là mới của đời sống đô thị đây?
- Hiện tượng gì vậy?
Cả thầy Lễ và thầy Quang Tình cùng nhìn thầy Trần Đình. Thầy Đình
làm ra vẻ bí mật:
- Một sinh hoạt quần chúng bình dân, một kênh thông tin xã hội. - Nói
rồi thầy chỉ vào bên hè phố - Cái gì đây các bạn?
Chà, đúng là con mắt của nhà xã hội học: một quán nước bên hè! Chiều
qua theo lời hẹn, thầy Đình và thầy Lễ cùng đến nhà thầy Quang Tình. Ba
người đã có cuộc họp mặt. Cơm chiều xong, đôi hồi trò chuyện quanh vấn
đề bức thư của thầy Đình đặt ra đến tận khuya, nên sáng sau ba người dậy
muộn. Lót dạ bằng món cơm rang xong, ba thầy dềnh dang như trẻ nhỏ
dung dăng dung dẻ ra phố đi dạo thì nắng lên. Và thầy Đình bước vào một
quán nước bên hè.
Không phải là một cửa hàng giải khát có các biển hiệu sang trọng lịch
sự. Không phải là phòng trà có trang trí tranh ảnh và có nhạc Trịnh dìu dặt.
Không có một không gian riêng. Tất cả đều bày biện phô lộ giữa thanh
thiên. Một cái quán nước bên đường! Nó đấy! Trên vỉa hè, ở các bến xe,
nhà ga. Cạnh các nhà hàng, các quán bar, hiệu phở. Và đơn giản, chỉ là một
mặt bàn nho nhỏ, trên đó có mấy lọ kẹo lạc kẹo vừng, vài chai La Vie, dăm
lon Coca, chục bao thuốc lá, mấy cái bánh đậu, bánh gai, nải chuối tây, bộ
ấm chén cốc. Cũng đơn sơ như vậy, những chiếc ghế gỗ, ghế nhựa thấp tè
đủ kiểu, khách có thể tùy ý kéo nó ra góc nào đó, ngồi nhâm nhi hoặc thì
thầm trò chuyện riêng cùng một ông bạn cố tri với một cốc nước chè nóng
trên tay.
Quán chè chén năm xu! Ấy là cái tên dân dã một thời của dịch vụ này.
Nó đấy, cái dịch vụ đã xuất hiện và gắn bó với đời sống phố phường. Buổi