sáng, sau khi điểm tâm một bát phở, một đĩa xôi. Có một ông bạn muốn trò
chuyện mà không khỏi cách rách về việc trà nước. Cửa hàng giải khát, quan
bar, phòng trà... long trọng, không cần thiết, lại tốn kém. Còn quán bên
đường, giá cả bình dân mà chắc gì đã thua kém chất lượng. Gì chứ chè Tân
Cương pha ủ ở đây thì đã đâu bằng. Chưa kể, thứ cuốc lủi nút lá chuối
trong vắt và những hạt lạc rang húng lìu, lúc nào cũng sẵn.
Quán nước bên đường!
Lúc này thật tình là cả thầy Quang Tình và thầy Lễ đều có ý ngại ngần.
Vai ông thầy tuy đã đóng xong mà nếp nghĩ nếp cảm vẫn chưa phôi pha.
Nhưng trong cái choàng tay của thầy Đình, cả hai đều thấy cần chiều bạn vì
đó chính là yêu cầu của nhà xã hội học.
- Cho mấy chén trà đi, bà chủ quán.
Thầy Đình sà xuống một chiếc ghế gỗ và kéo hai chiếc ghế nhựa cho hai
bạn. Bà chủ đang lúi húi ghi số đề cho một gã thợ xây áo quần dính đầy vôi
vữa, không ngẩng lên, miệng kêu liên tiếp hai tiếng có ngay, rồi nghển sang
bên trái, đuôi con mắt lá răm vút một nét nhọn hoắt: “Này các bố trẻ, khe
khẽ cái mồm thôi!” Bấy giờ, ba thầy mới để ý, trên mảnh ni lông trải khuất
sau cái cây cột điện xi măng trên ngọn có gắn chiếc loa công cộng có một
đám bạc.
- Sợ cái đéo gì. Khu này thằng Kình phụ trách, bọn chúng nó đã mua
xong rồi.
- Ba píc a? Có thằng nào liếm không!
- Đ.mẹ, rét cóng cả rồi hả!
- À, hôm qua, đề về con mấy đấy, bà chị? Rét là rét thế nào! Mười nhép!
Một gã trong đám bạc, có bộ râu quai nón, vừa quất quân bài xuống vừa
hất đầu sang quán nước. Bà chủ quán đặt ba chén nước xuống trước chiếc
bàn nhỏ, ngoảnh lại, nói con số, nhưng chẳng ma nào nghe. Bốn con bạc
cùng hai gã chầu rìa đang vào say máu đen đỏ. Tất cả đều cùng một chân
dung. Áo bò quần bò. Xích vàng trề trễ trên cổ. Vòng bạc thõng cổ tay. Ria
mép đen như đánh xi. Miệng cắm điếu ba số. Nhìn họ, thầy Quang Tình lại