mà dựa cậy mà noi theo chứ đừng lêu lổng cháu à.” Sáng mai bà đi, chiều
hôm trước, bà còn cầm cuốc vun mấy gốc đao giềng ở ngoài vườn, vãi ngô
cho đàn gà ăn, rồi đun một nồi nước lá sả, tắm gội thật lâu. Tối đến cơm
nước xong, bà pha một ấm trà đặc uống hết rồi lên giường đắp chăn, coi
như đi ngủ. Hàng xóm bảo bà ăn ở sạch sẽ đấy. Đưa bà ra đồng, Dậu khóc:
“Bà ơi, bà đi rồi, cháu có tiền biết mua gì cho bà ăn bây giờ!”
- Có chuyện gì hay không, bác?
Mải nghĩ về Dậu, nghe bà chủ quán hỏi, thầy Quang Tình quay lại. Thầy
Đình gập tờ báo, ngẩng lên:
- Lại cướp giết hiếp cả thôi. Thế bà hằng ngày không mua báo đọc à?
- Em chả đọc. Nhưng các vị đến đây ngồi trà lá xì xầm trò chuyện, chả
việc gì mà em không biết. Biết hết! Hôm nay chủ nhật chứ ngày thường thì
đầy chật cái vỉa hè này rồi. Các bác có biết chuyện ông Phó giám đốc công
an tỉnh này ăn hối lộ ba trăm nghìn đôla để làm lệch hồ sơ cho một đại
gia thoát án tử hình không?
Thầy Lễ tròn mắt ngước lên:
- Chuyện tầy đình thế cơ à?
- Động trời là chuyện tiếp theo kia. Bị lộ, ông Trưởng mới gọi ông Phó
lên. Anh Phó này, giờ thì thế nào báo chí nó cũng không tha tội anh đâu.
Mà lên báo có nghĩa là ra tòa. Ra tòa thì anh nhục đã đành mà với số tiền
ăn hối lộ to như thế thì cũng khó thoát án tử hình. Đã thế cơ quan ta cũng
mất mặt. Chi bằng anh nhập viện ngay hôm nay với bệnh ung thư tụy mới
phát hiện. Và tôi lệnh cho bệnh viện ngành tiêm một phát thuốc độc để anh
ra đi, sau đó cơ quan sẽ làm lễ an táng anh theo nghi thức long trọng nhất.
Như thế là đằng nào anh cũng chết mà chết thế kia là chết nhục chết nhã,
chết mà tiếng còn để đời. Còn chết như tôi góp ý thì bảo toàn được cả danh
dự của anh và của cơ quan. Mà anh cũng không phải hoàn trả số tiền lớn ấy.
- Khiếp quá!
Thầy Lễ chặc chặc lưỡi. Thầy Đình thản nhiên: