5
Mỗi chúng ta, phải không em
Như hạt thóc trong nắm tay cách mạng
Tung lên giữa mùa gió lớn.
Đó là mấy câu thơ của Nguyễn Đình Thi thầy Quang Tình thường hay
đọc cho Thắm vợ thầy nghe. Một cơn gió lớn đã đưa thầy Quang Tình về
Làng Nhuần của người Giáy, rồi sau đó lại đưa thầy về trường Bổ túc Văn
hóa Công Nông này.
Thầy hiệu trưởng ở đây tên là Hoàng Hủ. Quê thầy ở miền Trung. Nơi
thầy vẫn tự hào là quê hương cách mạng. Nơi cái bát gọi là cái đọi. Uống
nước nói là uống nác. Gội đầu nói là vo chôốc. Lộ hầu. Lộ nhãn. Mặt dài
như mặt tuấn mã. Mày rậm. Thầy mang tướng con nhà võ. Tứ thời, lạnh
thấu xương cũng như nóng đổ lửa, thầy chỉ nhất bộ bà ba nâu dấn bùn dày
cộp, bên sườn kè kè cái điếu cày ngắn bằng gang tay. Đôi chân vòng kiềng,
lộc khộc đôi guốc mộc đẽo lấy, vừa bước khuệnh khoạng thầy vừa ê a đọc
chính tả cho các học viên chép: Con hộ chậm chậm xuộng hang. Học viên
người viết: Con hổ (đi) chậm chậm xuống hang. Người khác lại viết: Con
hổ: (hai chấm xuống dòng). Nghe nói thầy là một anh bần nông, được bắt
rễ trong Cải cách ruộng đất năm 1956. Tiếp đó, học hết lớp ba bổ túc thì
được cử làm đội phó đội Cải cách huyện, chuyên trách việc tòa án, trong đó
có việc lập danh sách địa chủ gian ác để tử hình. Hết đợt, thầy về Đoàn ủy
rồi được cử đi học khóa Bồi dưỡng kiểm soát viên bình dân học vụ cao cấp
sáu tháng. Hết khóa thầy được đề bạt trưởng phòng giáo dục huyện. Rồi về
làm hiệu trưởng trường này. Trường có bảy lớp, từ lớp một trở lên đến hết
cấp hai. Có hai chục nhân viên văn phòng tạp vụ cấp dưỡng. Có ba chục
thầy cô giáo. Và khoảng hơn trăm học viên, gồm các bí thư chủ tịch các xã