- Thì sẽ nhận kỷ luật chứ sao! Rồi đập bàn đánh chát, quát:
- Mi mà nói vô tổ chức như rứa nữa thì tôi đuổi cổ mi ra ngay khỏi nhà
trường ni. Mồ cha không khóc khóc đống mối chắc! Định ngang tay mà
dám với trời hỉ!
Thầy vừa nói tên Bùi Lễ. Đồng hương miền Trung với thầy hiệu trưởng,
thầy Lễ dạy toán. Cùng dạy với thầy Bùi Lễ và thầy Quang Tình hồi ấy còn
có thầy Trần Đình, người Bắc Ninh, dạy lịch sử và triết học. Thầy Đình là
con một luật sư nổi tiếng. Ba thầy mỗi người một tính, một tài nhưng rất
thân nhau. Thầy Trần Đình vóc người cao ráo, khôi ngô, tuấn tú, khúc
chiết, rành rẽ, coi trọng duy lý. Thầy Quang Tình giống một phép chia hết
cân bằng tình lý, tuy về căn bản là con người duy cảm, xem xét cuộc sống
và xử sự theo nhịp đập của con tim. Trong khi đó, thầy Bùi Lễ thân vóc tầm
thước, thần thái chỉnh tề, nhưng tẩm ngẩm tầm ngầm, hóm nghịch, khoảng
khoát, chủ trương lấy ngẫu hứng làm ông thầy dẫn lộ.
“Tất cả chỉ là ngẫu nhiên”, thầy Lễ nói. “Mà ngẫu nhiên là một khía cạnh
của cái tất yếu, cho nên cứ sống cho tự nhiên, không việc gì phải lo âu, tính
toán, phòng bị.” Và để chứng minh cho ý tưởng đó, thầy kể chuyện ông
thân sinh ra thầy. Là một danh họa, thoạt đầu ông chỉ vẽ tranh sơn dầu
phong cảnh. Một lần ông gửi ở một gallery bức Thúy Kiều gặp Từ Hải. Có
một ông khách Bắc Âu đến xin mua. Hỏi: “Đây là bức tranh vẽ hai nhân vật
điển hình tài sắc trong một tác phẩm thơ kinh điển của người Việt, chắc ông
đã đọc?” thì ông khách đáp: “Không, tôi chỉ thích con ngựa ở tít xa trong
bức tranh của họa sĩ kia kìa.” Từ đó ông thân sinh ra thầy Lễ chỉ vẽ ngựa!
Vẽ cả nghìn con, đủ các kiểu dáng tình huống trên chất liệu giấy dó. Mỗi
con trong ba phút. Mỗi con một thần thái, chẳng con nào giống con nào.
Đang lúc thầy hiệu trưởng Hủ sắp nổi trận lôi đình vì lời phát biểu vô tổ
chức của thầy Lễ thì thầy Trần Đình liền giơ tay, rành rẽ:
- Xin thầy Hủ bình tĩnh. Nóng giận lí trí dễ mất sáng suốt. Xưa các cụ ta
đã nói: “Có trí hơn chim, bắt được chim. Có trí hơn người, trị được người.”
Vả lại, ở đây có sự hiểu lầm nho nhỏ. Theo tôi hiểu, điều thầy Lễ nói chỉ là
nếu, có nghĩa là giả định, giả thử, chứ chưa xảy ra. Do đó cũng đề nghị từ