Những người đàn bà mắt đen Tiếng tăm đến đột ngột, thường là thứ mà
người bình thường không mong nó đến với mình, chẳng hạn như bị bắt cóc
và cầm tù nhiều năm, chịu nhục nhã trong một vụ bê bối tình dục, hoặc
sống sót qua một biến cố thảm khốc. Những người ấy cần người chấp bút,
giúp ghi lại câu chuyện của mình, và người đại diện họ có thể thi thoảng vớ
được tên tôi. “May quá, tên tuổi của mày không được nhắc đến,” má tôi nói
thế. Khi tôi trả lời rằng tôi sẽ không phiền nếu được nhắc đến trong lời cảm
ơn ở các cuốn sách, bà nói, “Ðể tao kể mày nghe một chuyện.” Có thể đây
là lần đầu tiên tôi nghe câu chuyện này, nhưng không phải lần cuối cùng.
“Hồi kia ở xứ mình,” bà nói tiếp, “có một tay phóng viên lên tiếng chỉ trích
chính phủ tra tấn tù nhân. Thế là chính phủ cho hắn nếm đúng cái thứ mà
hắn tố cáo chính phủ đã làm. Họ bỏ tù hắn và hắn bị mất tích. Ðó là chuyện
xảy ra cho mấy đứa ghi tên mình dưới bài viết nào đó.”
Vào thời điểm Victor Devoto chọn tôi, tôi đã chấp nhận vai trò của một tác
giả viết thuê không có tên trên bìa sách. Ðại diện xuất bản đưa cho ông xem
một cuốn mà tôi đã viết, tác giả danh nghĩa của cuốn này là cha của một
cậu trai từng bắn và giết nhiều người trong trường của cậu ấy. “Tôi thấu
hiểu cảm giác tội lỗi của người cha,” Victor nói với tôi. Ông là người sống
sót duy nhất trong một vụ rơi máy bay, một trăm bảy mươi ba người đã
thiệt mạng, trong đó có cả vợ và các con của ông. Ông xuất hiện trong các
chương trình trò chuyện trên truyền hình, nhưng chỉ là cái xác không hơn
không kém. Một giọng nói đều đều nhỏ nhẹ, đôi mắt mỗi khi ngước lên,
dường như còn giữ mãi hình bóng của đoàn người than khóc. Chủ nhà xuất
bản bảo phải gấp rút hoàn tất câu chuyện khi khán giả còn nhớ thảm kịch
đó, và đây là mối bận tâm của tôi vào ngày mà người anh quá cố hiện về
với tôi.
Má đánh thức tôi dậy khi ngoài trời còn tối om, nói, “Ðừng sợ.”
Cửa phòng đang mở, ánh đèn từ hành lang làm tôi chói mắt. “Sao con phải
sợ?”