ta có quyền tuyên bố là xã hội Trung Quốc đã đạt được trình độ “đại khang”
- tức xã hội có đời sống kinh tế phát triển tột đỉnh mà không phải là “trung
khang”, tất nhiên càng không phải là “tiểu khang” - loại xã hội có nền kinh
tế thường thường bậc trung. Những lời này có vẻ lạ lùng khó nghe, tựa như
tôi đang có ý châm chọc gì đó, nhưng quả thực là tôi chẳng có ý châm chọc
bất kỳ ai, châm chọc cái gì cả, chẳng qua lời nói thật thì dễ nói nhưng lại khó
nghe, thế thôi.
Giống như xã hội loài người phân chia thành năm bảy hạng, chó cũng
được phân chia thành năm bảy hạng. Tôi vừa nói đến những loại chó “sủng
vật”, tất nhiên được xếp vào loại một, loại thứ hai có thể kể đến là loại chó
nghiệp vụ của công an, của bộ đội biên phòng. Loài chó này có vẻ ngoài oai
phong hung dữ, mới nhìn là đã phát khiếp, trên thực tế chúng cũng thật sự ghê
gớm. Tôi đã từng gặp một người chuyên huấn luyện chó cảnh sát mới hay
rằng việc chọn giống cho chúng vô cùng nghiêm ngặt, giá cả một con chó
thuần chủng dễ dàng làm một người có thu nhập bình thường bị đứng tim. Giá
cả đã cao, việc nuôi dưỡng và huấn luyện chúng càng không dễ dàng gì.
Trước đây người ta thường kháo với nhau rằng, nuôi được một phi công cho
quân đội Quốc dân đảng thì vàng phải chồng hàng đống, còn bây giờ thì nói
nuôi được một con chó cảnh sát phải tốn cả đống nhân dân tệ cao ngất
ngưởng. Những con chó cảnh sát lập được công trạng mà hy sinh đã được con
người truy phong cấp bậc và làm lễ truy điệu vô cùng long trọng. Chuyện này
tôi đã đọc được rất nhiều trong tác phẩm văn học Liên Xô trước đây, liệu ở
Trung Quốc có chuyện này không?
Năm ấy tôi có đọc “Rừng thẳm tuyết dày”, đọc đến chỗ con chó dũng
cảm có tên Trại Hổ của Khương Thanh Sơn, em họ Lý Dũng Kỳ đã chế ngự
được hai tên thổ phỉ với đầy đủ trang bị vũ khí, tôi nghĩ rằng đấy chẳng qua
là trí tưởng tượng quá đà của người viết tiểu thuyết nhằm ca tụng Khương
Thanh Sơn - một con người có nhiều kinh nghiệm núi rừng, những kỹ năng
trượt tuyết cao siêu, múa đao như thần trông chẳng khác những hiệp khách