Ở nông thôn người ta cũng nuôi chó. Trong thời kỳ Cách mạng văn
hóa, lương thực không đủ nuôi sống con người, bốn vách nhà của người nông
dân trống trơn, chẳng có gì đáng để ăn trộm - quan trọng hơn là quá đói nên
người ta rất ít nuôi chó. Trong thời kỳ Cách mạng văn hóa “nằm gai nếm
mật” ấy, người ta nâng chuyện ít nuôi chó lên thành một trong những tiêu
chuẩn quan trọng để khẳng định xã hội mới tốt hơn xã hội cũ nhiều. Mấy
năm trở lại đây, lương thực đã trở nên dồi dào, tài sản trong nhà cũng khá hơn
nên phong trào nuôi chó lại trở nên rầm rộ. Trộm đạo ở nông thôn nổi lên như
rươi, không có con chó trong nhà là không được. Tôi nghĩ, có lẽ trong lịch sử
Trung Quốc, đây là thời gian chó xuất hiện nhiều nhất ở nông thôn, việc nuôi
chó nhất định không phải là để thưởng ngoạn mà là phòng ngừa bọn trộm
cắp. Nhưng bọn chó này hầu hết là giống chó cỏ bản địa, bé gan lại thiếu trí,
nếu có bọn trộm vặt mò vào nhà, chúng chỉ sủa lên mấy tiếng gọi là cho có
thôi. Do vậy, cho dù đã nuôi chó nhưng của cải vẫn cứ mất như thường.
Huống hồ bọn trộm đạo hiện đại đều là những kẻ đa mưu túc trí, tinh thông
“cẩu học” nên đã nghiên cứu được đến mười mấy phương pháp đối phó với
chó. Nghe đâu phương pháp hữu hiệu nhất vẫn là nướng một củ cải ném cho
chó, bọn chúng đứa nào cũng nghĩ là bánh bao nhân thịt dê nên há miệng đớp
lấy khiến hàm răng rụng cả, đánh mất bản năng cắn người và bọn trộm đạo
cứ thế mà đường hoàng đĩnh đạc đi vào nhà. Cho dù không dùng củ cải, chỉ
cần ném một cục thịt thơm lừng, miệng chúng cũng sẽ bị bịt kín, mắt nhắm
mắt mở và trở thành những kẻ đồng lõa với bọn trộm đạo. Chẳng qua là bọn
ăn trộm không đành lòng vất miếng thịt nên chủ yếu là dùng cách ném củ cải.
Chó ở nông thôn nói chung là đói, sống kham khổ quá lâu nên dễ dàng bị
mua chuộc cũng là chuyện thường tình; còn chó thành phố ăn còn chê không
tinh, uống còn chê không chất, gà quay bơ vàng ươm đặt trước mặt cũng
chẳng thèm ngước đầu liếc mắt, nên mua chuộc được chúng không phải là
chuyện đơn giản.