Sáng hôm sau thì Trương Nghệ Mưu và mọi người đã đến đông đủ. Tôi
vội vội vàng vàng chạy đến nhà khách huyện để gặp họ. Những câu nói đầu
tiên là bàn về những mảnh ruộng cao lương gặp hạn, bàn về một tác giả văn
học như tôi đã đem đến cho họ những điều không vui và không may. Nhưng
Trương Nghệ Mưu lại khuyên giải tôi, nói: Họ đã có những chuẩn bị sẵn sàng
cho việc khắc phục khó khăn, họ không sợ khó sợ khổ. Họ cần gặp huyện ủy,
họ cần phân bón, họ cần nước… Họ đã sẵn sàng chai mặt để van nài các quý
ông quý bà ở đây giúp đỡ.
Ngày hôm sau nữa, mây đen đầy trời. Trương Nghệ Mưu nói anh ấy đã
tìm được đồng chí lãnh đạo cao nhất huyện, vị này đã phê chuẩn xuất năm
tấn phân bón. Vị này còn triệu tập một cuộc họp khẩn cấp những lãnh đạo
các làng các xã có tham gia trồng cao lương, yêu cầu họ đưa việc chăm sóc
những mẫu cao lương này trở thành “nhiệm vụ chính trị trung tâm” trong
công tác trước mắt, điều này cho thấy vị lãnh đạo này rất nể trọng đoàn làm
phim và cá nhân Trương Nghệ Mưu. Tôi đã bị cảm động bởi việc làm chí
công vô tư này của vị lãnh đạo huyện ủy nọ nên hùng hồn tuyên bố, nếu kinh
phí của đoàn làm phim quá căng thẳng, tôi tự nguyện dùng số tiền nhuận bút
của mình để mua phân bón cho đoàn. Nghe thấy tôi nói thế, Trương Nghệ
Mưu đã cười.
Ngay buổi sáng hôm ấy, trời bắt đầu mưa lất phất. Tôi lầm rầm trong
miệng: Ông trời đáng kính đáng thương! Mưa đi, mưa cho lớn vào… Tôi
mượn chiếc xe đạp của một cố nhân đạp thẳng đến Tôn Gia Khẩu, tìm đến
tận nhà bí thư chi bộ thôn nói cho một hồi, đại ý là muốn bà con ở đây hãy
tích cực giúp đỡ đoàn làm phim rải phân lên ruộng cao lương, đừng để cho
những người ở nơi khác đến đánh giá là nông dân Đông Bắc Cao Mật chúng
ta bụng dạ hẹp hòi, chỉ biết đến cái lợi nhỏ mà không nghĩ đến cái lợi cao
hơn. Lúc ấy mưa đã bắt đầu nặng hạt, chúng tôi cho xe chở phân dừng lại
trên cầu, đứng trên cầu nhìn xuống tôi có cảm giác là cây cao lương hình như
đã bắt đầu phục hồi sinh khí. Tiếng mưa đập vào lá cao lương khô quắt khiến