Trong những ngày ấy, lúc nào tôi cũng cứ nghĩ, nếu như có một ngày
nào đó, số phận tương tự lại giáng xuống trái đất, loài người sẽ ứng phó thế
nào đây? Ngày xưa, chuyện “người nước Khởi lo trời sập ăn ngủ không yên”
là để nhằm phóng thích những người thích lo lắng chuyện hão huyền nhưng
con người hiện đại có cần thiết phải học hỏi nỗi lo sợ trời sập của người nước
Khởi không nhỉ? Mảnh vỡ của sao Chổi đã “hôn” vào sao Mộc, ai dám đảm
bảo là một ngày nào đó nó sẽ không “hôn” vào trái đất? “Nụ hôn” này sẽ làm
băng tan núi lở, đất trời đảo lộn chứ chẳng phải là nụ hôn thân thiết gì đâu!
Có một tác giả tên là Vương Hồng Kỳ đã viết cuốn sách tuyệt vời
“Chuyện vui văn hóa về bí mật của các vì sao”, trong ngày sao Chổi va vào
sao Mộc, cuốn sách này cùng tôi đi vào những giấc ngủ chập chờn và đã dạy
cho tôi rất nhiều điều bổ ích. Vương Hồng Kỳ cho rằng, thời xa xưa, một
mảnh vỡ của một hành tinh nhỏ, cũng có thể là mảnh vỡ của sao Chổi đã
từng va đập vào trái đất và gần như hủy diệt sự sống ở đây. Vương còn bảo,
những thần thoại cổ xưa nhất và nổi tiếng nhất của Trung Quốc chúng ta như
Nữ Oa đội đá vá trời, Hậu Nghệ bắn mặt trời, Thường Nga lên cung trăng,
Khoa Phụ đuổi mặt trời… đều có liên quan mật thiết đến những sự kiện trọng
đại trên lĩnh vực thiên văn học.
Chuyện Hậu Nghệ bắn mặt trời có thể lý giải như sau: Có một thiên
thể to lớn đang vận động nhằm thẳng về phía trái đất. Khi nó lọt vào trong
tầng khí quyển, lực ma sát quá lớn khiến nó phát ra ánh sáng, kèm theo là
những âm thanh khó có thể hình dung và sau đó vỡ tung ra thành nhiều mảnh
(thế mới có mười mặt trời trong truyện này), sau đó là thiên hôn địa ám, đất
rung núi lở, núi gào biển réo… Những khái niệm tôi vừa nhắc trên có lẽ là
những từ nhằm mục đích tả thực lúc ấy, sau này chúng mới biến thành những
tính từ. Sự kiện này đã làm người thời viễn cổ chấn động, bất giác đưa mắt
nhìn lên và ngưỡng vọng không gian, tâm trí con người được khai phá, ý thức
về lịch sử sản sinh, triết học từ đó mà hình thành.