Sách “Hoài Nam Tử - Thiên văn huấn” viết: “Ngày xưa Cung Công
cùng với Chuyên Húc tranh nhau làm đế, nổi giận dùng đầu húc vào núi Bất
Chu, cột chống trời gãy, dây buộc đất đứt, trời nghiêng về hướng tây bắc, từ
đó mà mặt trời mặt trăng và các vì tinh tú mới rời nhau ra, đất lệch về phía
đông nam…”. Núi Bất Chu - nơi đánh nhau kịch liệt thuở ấy chính là Vẫn
thạch khanh. Vương Hồng Kỳ giải thích, “Bất Chu” là vòng tròn không hoàn
chỉnh. Có thể thiên thạch ấy có góc cạnh rất sắc? Sau sự kiện ấy, kết quả đáng
sợ là “đất nghiêng về tây bắc, mặt trời mặt trăng và các vì tinh tú mới rời nhau
ra. Học giả người Anh gốc Hán nổi tiếng Lý Ước Sắt rất sinh động chỉ ra
rằng, đây chính là những tri thức sơ khai nhất có liên quan đến sự vận động
của bề mặt trái đất của văn hóa Trung Quốc, đương nhiên cũng là những tri
thức sớm nhất về thiên văn học của văn hóa nhân loại. Vương Hồng Kỳ còn
cho rằng, nếu người viễn cổ không tự thân kinh lịch qua chuyện này, nhất
quyết không thể sáng tạo nên những mẩu thần thoại như thế theo trí tưởng
tượng được. Do trái đất biến hóa tự chuyển tự nghiêng cùng với khói bụi sau
trận đánh kinh thiên động địa ấy (Hoàng Đế và Xuy Vưu đánh nhau ở đồng
hoang Trác Lộc, Xuy Vưu làm khói bao phủ mù mịt cả ba tháng liền); cũng
phải kể đến khả năng thiên thạch nóng bỏng rơi xuống biển khiến cho biển
gầm gào (Phía đông Phù Tang có một hòn đá, rộng bốn ngàn dặm, nước biển
bao phủ không hết), vẫn thạch rơi xuống đất tạo nên những đám cháy lớn…
mà hoàn cảnh sinh tồn của người viễn cổ phát sinh những biến động lớn.
Trong những trận đại hồng thủy, những đám cháy lớn và kể cả khí hậu khắc
nghiệt phát sinh trong quá trình ấy, một bộ phận lớn người viễn cổ đã bị tiêu
diệt, những người còn lại chính là những người thắng lợi trong quá trình đấu
tranh kiên cường với đại tự nhiên. Do vậy, những thần thoại truyền thuyết về
thời kỳ viễn cổ chính là những ghi chép về những đại nạn trong lịch sử nhân
loại, cũng chính là những ghi chép về quá trình đấu tranh sinh tồn vô cùng
dũng cảm với tự nhiên của tổ tiên chúng ta.