Hàng triệu người trên trái đất này đều đã nhìn thấy những bước chân
khó quên của phi hành gia qua ti vi, từ trên đài phát thanh có thể nghe thấy
tiếng nói của ông ta, người xem và người nghe đông vô tiền khoáng hậu.
Ngày ấy, tôi vẫn còn chưa biết ti vi có hình thù như thế nào, đài phát thanh đã
có, một chiếc loa sắt cực lớn móc trên cành cây cao dây nhợ lòng thòng, ngày
nào cũng kêu oang oang, thi thoảng cũng có một vài đoạn kịch nhưng mở đầu
bao giờ cũng là “Đông phương hồng”, kết thúc bao giờ cũng là “Quốc tế ca”.
“Mặt trời lên, đông phương hồng, Trung Quốc có Mao Trạch Đông.…Ông là
đại cứu tinh của nhân dân”. Lại là một hiện tượng thiên văn, một người ở
dưới thế gian đại diện cho một vì sao. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, hiện
tượng này nhan nhản. Phượng Sồ tiên sinh chết trận tại gò Lạc Phượng, Gia
Cát Khổng Minh ở Kinh Châu vẫn trông thấy vì sao của tiên sinh rụng
xuống: “Chỉ thấy phía chính tây có một vì sao to như cái đấu từ trên trời rơi
xuống, ánh sáng tóe khắp bốn phương”. Gia Cát Khổng Minh không chỉ có
thể nhìn thấy sao của người khác mà còn có thể xem được sao của chính
mình. Tại Ngũ Trượng Nguyên, tiên sinh bị Tư Mã Ý giở chiêu bài cố thủ
làm cho tâm trí buồn bực, vô kế khả thi, nửa đêm rời khỏi màn trướng, ngẩng
đầu nhìn trời cao, nói: “Trong ba vì sao Tam Thai, sao khách sáng rỡ, sao chủ
tối tăm, dựa vào nhau mà sáng nhưng ánh sáng hôn ám. Mệnh trời đã vậy,
mệnh ta tự biết!”. Khương Duy khuyên tiên sinh dương sao. Tiên sinh có tài
biến ngựa chết thành ngựa sống nên đăng đàn tác pháp, đáng tiếc là bị Ngụy
Diên quấy rối, cuối cùng không thể cãi lại mệnh trời. Đối thủ của tiên sinh là
Tư Mã Ý cũng là một cao thủ về thiên văn - Vị đại nguyên soái này không
thèm đánh nhau mà đêm đêm rời màn trướng ra “ngưỡng vọng trời sao” -
“Bỗng một đêm đang ngẩng đầu trông lên trời cao, cả mừng, nói với Hạ Hầu
Bá rằng: Ta thấy một vì sao sắp rơi, Khổng Minh đang lâm bệnh nặng, không
lâu nữa thì chết”. Gia Cát Lượng tính toán như thần, trước lúc chết dặn
Dương Nghi đem thi thể mình đặt lên xe ngồi cho thật vững, trong miệng
ngậm bảy hạt gạo - loại gạo Thiểm Tây - dưới chân để một cây đèn thắp lên