20
PHẢN CẢM
X
ưa nay cái gì ít, hiếm mới quí. Nhiều hoặc nhiều quá là hoá nhàm
ngay, chán ngay, có khi trở thành đáng ghét, mà tiếng mới gọi là Phản Cảm.
Quảng cáo là cần thiết. Người sản xuất giới thiệu được hàng hoá của
mình. Người tiêu dùng biết hàng hoá ở đâu mà mua. Quảng cáo phát triển
đến nỗi trở thành một ngành kỹ nghệ, công nghệ. Vì thế mà nó phải dựa
vào các cơ quan truyền thông, thông tin đại chúng.
Trước, tên trùm tuyên truyền Gơ Rinh của chủ nghĩa phát xít chủ trương
nói mãi người ta cũng phải nghe, phải thấm. Nay đã hoàn toàn khác. Giở
trang giữa là trang quí nhất của tờ báo, đã từ những bài đáng đọc nhất, đến
chỉ còn hoàn toàn là quảng cáo, mà quảng cáo quá nhiều lần, người ta gấp
lại luôn, không đọc, thậm chí không mua báo ấy nữa. Phản cảm đấy.
Trên truyền hình, quảng cáo mới thật ghê hồn. Cái gì cũng là Nhất, là
tuyệt hảo, là số Một thế giới, mà cứ nhắc đi nhắc lại, ngày nào cũng thế,
buổi phát hình nào cũng thế. Loại quảng cáo này phá hỏng mỹ cảm, tình
cảm của người xem. Phim đang cảm động chẳng hạn, xen vào quảng cáo
bao cao su hoặc băng vệ sinh... Không xem, không nghe cũng không được,
chỉ có một cách phản ứng lại là: Tắt Máy. Phản cảm đấy.
Dầu gội đầu, chống gầu, bột giặt và bia, xe máy, các loại thuốc bổ, thuốc
bệnh... nào hai cốc mỗi ngày, nào làm cho da trắng, da mịn... làm như xã
hội nông thôn và thị thành đang nghèo này chỉ còn mỗi việc tự làm đẹp và
vứt tiền qua cửa sổ để mua các thứ Nhất hạng đó.
Đã phản cảm rồi thì đâm ra ác cảm, đâm ra ghét cay ghét đắng loại "nói
phét", tự "bốc thơm", và hoàn toàn mất lòng tin với nó.