Tôi còn khó nhận ra mình nữa là, Langdon nghĩ, di chuyển cứng ngắc
trong chiếc áo gi lê trắng, áo đuôi tôm đen và chiếc nơ trắng. Trông tôi hệt
một gã Whiffenpoof
. Cái áo đuôi tôm cổ điển của Langdon đã ngót ba mươi
năm, được gìn giữ từ những ngày ông còn là một thành viên Câu lạc bộ Ivy
ở Princeton, nhưng nhờ chế độ bơi đều đặn hằng ngày, bộ đồ vẫn khá vừa
vặn với ông. Lúc Langdon vội vàng sắp đồ, ông đã vớ nhầm cái túi quần áo
treo trong tủ, mà bỏ lại bộ tuxedo quen thuộc của mình.
“Giấy mời nói mặc đồ đen và trắng,” Langdon nói. “Tôi tin áo đuôi tôm
hoàn toàn phù hợp nhỉ?”
“Áo đuôi tôm là trang phục truyền thống mà! Trông ngài rất bảnh!”
Người đàn ông bước vội lại và cẩn thận dán một miếng thẻ ghi tên vào ve áo
vest của Langdon.
“Thật vinh hạnh được gặp ngài,” người đàn ông có bộ ria nói. “Chắc hẳn
trước đây, ngài đã từng ghé chỗ chúng tôi rồi?”
Langdon chăm chú nhìn xuyên qua mấy cái chân nhện hướng về phía tòa
nhà lấp loáng trước mặt họ. “Thực ra, tôi rất ngại khi phải nói rằng tôi chưa
có dịp.”
“Ôi không!” Người đàn ông vờ ngã bổ chửng. “Ngài không phải là người
hâm mộ nghệ thuật hiện đại sao?”
Langdon vốn luôn thích thú thử thách của nghệ thuật hiện đại - cơ bản là
khám phá xem tại sao một số tác phẩm cụ thể lại được ca ngợi là kiệt tác:
những bức tranh màu nhỏ giọt
của Jackson Pollock; tác phẩm vỏ hộp súp
Campbell của Andy Warhol; những hình chữ nhật màu đơn giản của Mark
Rothko. Tuy nhiên, Langdon thấy thoải mái hơn hẳn khi thảo luận về biểu
tượng tôn giáo của Hieronymus Bosch
hoặc phong cách vẽ của Francisco
de Goya
.
“Tôi là một người ủng hộ chủ nghĩa kinh điển hơn,” Langdon đáp. “Tôi
thạo da Vinci hơn là de Kooning.”
“Nhưng da Vinci và de Kooning thì cũng đều như nhau mà!”
Langdon nhẫn nại mỉm cười. “Vậy thì rõ ràng tôi cần phải học một chút
về de Kooning rồi.”